được sưu tầm bởi HXK

đây chỉ là những thông tin về những người mà tôi cho rằng họ giỏi, tôi khâm phục họ, tìm hiểu họ qua cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm cũng như tư tưởng của họ để lại trên thế gian này. cho những con người của thời đại họ sống và cho hậu thế.

Thursday, July 1, 2010

trích cuốn thế giới như tôi thấy p3(Albert Einstein )

Trả lời phụ nữ Mỹ

Một hội phụ nữ Mỹ cho rằng họ cần phản đối chuyến thăm của Einstein tới đất nước họ. Họ nhận được câu trả lời như sau:

Chưa bao giờ tôi bị phái đẹp khước từ mạnh mẽ đến vậy; và trường hợp đó nếu có xảy ra thì cũng chưa khi nào có nhiều người cùng lúc đến thế.

Nhưng họ làm thế là đúng quá đi chứ, ôi những nữ công dân đầy cảnh giác. Làm sao người ta lại có thể cho phép một gã đàn ông vào nhà, kẻ vốn thích nhai nuốt ngấu nghiến bọn tư bản ngoan cố một cách ngon lành và thỏa mãn y hệt như con quái vật Minotaurus nhai nuốt các thiếu nữ đồng trinh Hy Lạp thơm tho vậy; mà kẻ đó lại còn bỉ ổi đến mức từ chối mọi cuộc chiến tranh, trừ cuộc chiến với chính vợ của y? Vậy nên, hãy nghe lời đám quần thoa khôn ngoan và ái quốc của quý vị đi và quý vị hãy nhớ rằng ngay cả thủ phủ của đế chế La Mã hùng mạnh cũng đã từng được cứu là nhờ tiếng kêu cạp cạp của những con ngỗng trung thành!

Lời chúc mừng gửi nhà phê bình

Có óc quan sát độc lập, cảm nhận và đánh giá không phụ thuộc vào các loại mốt thời đại; có thể diễn đạt điều mình thấy và cảm chỉ bằng một câu sắc gọn hoặc một từ chuẩn xác - như thế chẳng phải là tuyệt vời lắm sao? Người ta có cần phải chúc tụng gì thêm nữa không?

Cảm nhận đầu tiên của tôi về nước Mỹ

Tôi phải thực hiện lời hứa của mình, ấy là viết đôi điều cảm nhận về đất nước này. Mà điều đó với tôi lại không dễ dàng. Bởi người ta thật không dễ đặt mình vào vị trí của người quan sát khách quan nếu người ta được tiếp đón với quá nhiều tình cảm và sự trọng thị như tôi khi tới Mỹ.

Đầu tiên là đôi lời thế này:

Trong mắt tôi, sự sùng bái cá nhân luôn có gì đó thiếu công bằng. Đúng là Đấng tạo hóa ban phát cho những đứa con của mình mỗi người không giống nhau về năng lực. Nhưng, ơn Ngài, số người được hưởng may mắn vẫn nhiều lắm, và tôi tin rằng phần lớn trong số họ vẫn sống những cuộc đời thầm lặng, chẳng mấy ai biết đến. Đối với tôi, thật là thiếu công bằng, vâng, thậm chí khá nhạt nhẽo, nếu trong số đó lại có vài người được ngưỡng mộ quá đáng, được khoác cho những phẩm chất thần thánh về trí tuệ và nhân cách. Thế mà chính điều đó lại xảy ra với số phận tôi, dẫn tới sự đối nghịch kệch cỡm giữa những điều mà người ta nói về năng lực và thành tựu của tôi với điều mà tôi thực chất là và muốn là. Ý thức về mối tương quan kỳ cục này khiến tôi không chịu đựng nổi, nếu bên cạnh đó không có một niềm an ủi đẹp đẽ, một tín hiệu vui mừng cho cái thời đại bị coi là chỉ biết chạy theo vật chất này: Người ta dựng lên những người hùng mà mục đích của những người hùng này chỉ là hướng tới trí tuệ và đạo đức. Điều đó chứng tỏ, tri thức và lẽ phải vẫn được một số đông người đánh giá cao hơn tài sản và quyền lực. Kinh nghiệm của tôi cho biết rằng, thái độ sống lý tưởng này hiện hữu ở một phần rất đông dân chúng Mỹ - đất nước vốn bị coi là đặc biệt chạy theo vật chất này. Sau những lời vòng vo trên, tôi xin trở lại chủ đề chính với hy vọng rằng, người ta sẽ không đánh giá quá đáng những phát biểu khiêm nhường của tôi hơn mức nó vốn thế.

Điều đầu tiên khiến những vị khách phải kinh ngạc khi đến đất nước này là sự vượt trội về kỹ nghệ và tổ chức. Những đồ dùng hàng ngày được làm bền hơn ở châu Âu, nhà cửa thì được xây cất thực dụng hơn hẳn. Tất cả đều nhằm mục đích tiết kiệm sức lao động. Ở đây, sức lao động đắt đỏ bởi mật độ dân số là thấp so với diện tích và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chính giá thành lao động cao đã kích thích sự phát triển mạnh của các phương tiện trợ giúp về kỹ thuật và phương pháp làm việc. Ta hãy xem trường hợp ngược lại: ở các nước có mật độ dân số quá cao như Trung Quốc và Ấn Độ, giá thành lao động thấp đã cản trở sự phát triển của các phương tiện trợ giúp về kỹ thuật như thế nào. Châu Âu thì ở giữa hai thái cực đó. Khi máy móc đã đủ phát triển, rốt cuộc nó sẽ còn rẻ hơn cả sức lao động vốn còn đang rẻ mạt. Những kẻ phát xít ở châu Âu - những kẻ vì lý do chính trị hẹp hòi đang kêu gọi sự gia tăng dân số ở đất nước họ - hẳn sẽ nghĩ như vậy. Có điều, ấn tượng hẹp hòi ấy lại khá giống với nỗi sợ của nước Mỹ trong việc chống nhập hàng hóa bằng việc thông qua đạo luật về thuế nhập khẩu... Song cũng chẳng nên đòi hỏi ở một người khách vô tư rằng ông ta phải đau đầu với những câu hỏi; mà rốt cuộc cũng chẳng có gì chắc chắn rằng với câu hỏi nào cũng có một câu trả lời hợp lý.

Điều thứ hai khiến những vị khách chú ý là thái độ sống vui vẻ, tích cực của dân chúng. Nụ cười tươi trên những bức ảnh là biểu tượng cho một trong những điểm mạnh nhất của người Mỹ. Người Mỹ vui vẻ, tự tin, lạc quan và - không tị hiềm. Người châu Âu luôn cảm thấy dễ chịu và tự nhiên khi tiếp xúc với người Mỹ.

Người châu Âu ngược lại: có óc phê phán mạnh hơn, ý thức cá nhân cao hơn, nhưng ít hảo tâm hơn và ít giúp người hơn; họ có đòi hỏi cao hơn trong các hoạt động giải trí, và trong học thuật thì ít nhiều có vẻ bi quan hơn.

Sự thoải mái và tiện nghi có một vị trí lớn ở Mỹ. Vì chúng mà họ sẵn sàng hy sinh sự yên tĩnh, sự ung dung và cả sự an nhàn. Người Mỹ sống vì tương lai nhiều hơn người châu Âu. Cuộc sống với họ luôn là cái đang hình thành, chứ không phải cái đang tồn tại. Theo nghĩa đó, họ còn khác xa so với người Nga hay người châu Á hơn cả người châu Âu.

Nhưng có một điểm mà người Mỹ giống với người châu Á hơn là người châu Âu. Đó là họ ít có tính cá nhân hơn người châu Âu - nếu ta chỉ quan sát từ góc độ tâm lý chứ không phải từ góc độ kinh tế.

Ở đây, cái "chúng ta" được nhấn mạnh hơn cái "tôi". Điều này liên quan đến thực tế là phong tục và tập quán xã hội rất được coi trọng ở Mỹ. Có nhiều điểm tương đồng trong quan niệm sống cũng như trong quan niệm về đạo đức và sở thích riêng giữa các cá nhân hơn hẳn ở châu Âu. Được như vậy là nhờ nước Mỹ mạnh hơn hẳn châu Âu về kinh tế. Ở đây, việc cộng tác và phân chia công việc một cách hiệu quả diễn ra dễ dàng và trôi chảy hơn ở châu Âu, dù đó là trong công xưởng, trong trường đại học hay trong các việc từ thiện tư nhân. Thái độ ứng xử xã hội tốt đẹp đó một phần nhờ là vào truyền thống Anh.

Nhưng ngược lại, vai trò của nhà nước ở Mỹ có vẻ không mạnh lắm so với ở châu Âu. Người châu Âu ngạc nhiên thấy rằng, điện tín, điện thoại, đường sắt và trường học ở Mỹ phần lớn nằm trong tay các tổ chức tư nhân. Điều đó có thể xảy ra là nhờ vào thái độ xã hội tích cực nói trên của các cá thể. Và thái độ ấy khiến cho sự khác biệt quá lớn về tài sản không dẫn tới sự cùng quẫn của một bộ phận dân chúng. Ý thức trách nhiệm xã hội của các ông chủ ở đây phát triển cao hơn hẳn ở châu Âu. Họ xem chuyện cống hiến một phần lớn tài sản, và thường là cả sức lực của họ nữa, cho công việc xã hội là đương nhiên. Dư luận xã hội (vốn rất mạnh mẽ!) đòi hỏi họ phải làm thế. Điều đó dẫn tới thực tế là người ta có thể trao những nhiệm vụ quan trọng nhất về văn hóa vào tay các tổ chức tư nhân và vai trò của nhà nước trở nên rất hạn chế.

Uy tín của quyền lực nhà nước chắc chắn còn giảm đi rõ rệt vì "đạo luật cấm rượu". Bởi đối với uy tín của nhà nước và luật pháp, không có gì nguy hiểm cho bằng việc nó đưa ra những đạo luật mà nó không đủ sức cưỡng chế. Đây là một bí mật công khai, vì sự phát triển đáng lo ngại về tội phạm ở đất nước này có liên hệ chặt chẽ với thực tế đó.

Trong một quan hệ khác, "đạo luật cấm rượu", theo tôi, cũng dẫn tới sự suy yếu nhà nước. Quán xá là nơi cho người ta có cơ hội để trao đổi suy nghĩ và bày tỏ ý kiến về những sự kiện công cộng. Tôi thấy ở đất nước này, người ta có vẻ thiếu những cơ hội như vậy, khiến báo chí bị lũng đoạn bởi các nhóm thiểu số có ảnh hưởng quá mạnh đến công chúng.

Thái độ quá coi trọng đồng tiền ở đất nước này vẫn còn mạnh hơn ở châu Âu, nhưng tôi thấy nó có vẻ đang giảm đi. Chắc hẳn là nhận thức này đã chiến thắng: để có một cuộc sống hạnh phúc và hữu ích, không cần phải có quá nhiều của cải.

Về khía cạnh nghệ thuật, tôi đã bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành trước cái gu thẩm mỹ cao trong các công trình xây dựng hiện đại cũng như trong các vật dụng hàng ngày; ngược lại tôi thấy rằng, nghệ thuật tạo hình và âm nhạc không tìm được đất sống trong lòng dân chúng như ở châu Âu.

Tôi thán phục thành tựu của các cơ sở nghiên cứu khoa học. Ở châu Âu, người ta đang tìm cách giải thích một cách vô lý rằng sự vượt trội ngày càng tăng về nghiên cứu khoa học của Mỹ hoàn toàn chỉ là do người Mỹ có nhiều tiền của hơn; nhưng sự tận tâm, lòng kiên nhẫn, tinh thần đồng nghiệp và thiện chí cộng tác cũng giữ một vai trò quan trọng trong những thành công ấy chứ. Cuối cùng, thêm một nhận xét nữa! Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là cường quốc phát triển nhất về kỹ thuật hiện nay. Ảnh hưởng của nó vào việc thiết kế các mối quan hệ quốc tế là gần như không thể lường trước được. Nước Mỹ rộng lớn là thế, nhưng lâu nay dân chúng lại ít quan tâm đến các vấn đề lớn của cộng đồng quốc tế, mà vấn đề hàng đầu hiện nay là vấn đề giải trừ quân bị. Điều đó cần phải thay đổi, vì chính lợi ích thiết thân của người Mỹ. Cuộc chiến vừa qua đã cho thấy, không còn sự phân cách giữa các lục địa nữa, mà số phận của tất cả các quốc gia ngày nay đã gắn chặt với nhau. Bởi thế cần làm thấu suốt rằng, dân chúng đất nước này mang một trách nhiệm lớn trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Vị trí của kẻ khoanh tay đứng nhìn không xứng đáng với đất nước này và lâu dài sẽ trở nên nguy hiểm với tất cả mọi người.

Đám nhà báo


Trích từ một bức thư riêng


Khi ta bị tính sổ công khai về tất cả những gì ta đã nói dù trong khi vui đùa, khi cao hứng hay khi bực bội nhất thời, thì điều đó tuy thật phiền hà, song ở chừng mực nhất định cũng là hợp lý và tự nhiên. Nhưng nếu ta bị tính sổ công khai về những điều người khác đã nhân danh ta để nói và ta không có cách gì để khả dĩ tự vệ được, thì tình cảnh ấy thật thê thảm.

"Vậy ai mà khổ sở vậy?", anh sẽ hỏi. Vâng, bất kỳ ai đủ nổi tiếng và bị đám nhà báo thăm hỏi. Anh cười vì không tin ư? Nhưng tôi đã trải nghiệm đủ rồi, để tôi kể anh nghe.

Anh hãy tưởng tượng: một buổi sáng kia, một tay phóng viên đến gặp anh và vui vẻ hỏi rằng, liệu anh có thể nói đôi điều về ông N. bạn anh được không. Thoạt tiên có thể anh sẽ cảm thấy phẫn nộ vì một câu hỏi như vậy. Song anh nhanh chóng nhận ra rằng, sẽ chẳng có cách nào để chạy thoát. Bởi nếu anh từ chối trả lời, tay phóng viên sẽ viết: "Tôi đã hỏi một trong những người bạn gọi là thân nhất của N., nhưng ông này đã khéo léo từ chối. Mong độc giả tự rút ra những kết luận hiển nhiên từ thái độ ấy". Vì không có cách nào để chạy thoát, anh trả lời như sau:

"Ông N. là một nhân cách hào hiệp, thẳng thắn, được tất cả bạn bè quý mến. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng nhìn ra được mặt tốt. Ông là người chịu khó và đảm nhận được rất nhiều việc cùng lúc; nghề của ông đòi hỏi ông phải dành hết tâm sức cho công việc. Ông là người yêu gia đình, luôn dành cho vợ tất cả những gì ông có..."

Bài viết của tay nhà báo: "N. không thực sự coi trọng điều gì và có tài lấy lòng tất cả mọi người, hơn nữa lúc nào ông cũng đóng vai một người dễ dãi và mềm mỏng. Ông thuộc loại nô lệ cho công việc, đến mức không bao giờ nghĩ tới những chuyện riêng tư hay tham gia vào một hoạt động tinh thần nào khác. Chiều chuộng vợ hết mực, ông là tên đầy tớ ngoan ngoãn phụng sự cho các nhu cầu của bà ấy...".

Ở một tay nhà báo đích thực, bài viết sẽ còn giật gân hơn thế nhiều, nhưng với anh và với ông N. bạn anh thì như thế có lẽ đã đủ. Ông ấy sẽ đọc những điều kể trên vào buổi sáng ngày mai trên báo, và sự giận dữ của ông ta với anh sẽ là vô giới hạn, dù về bản chất ông ta có tốt bụng và vui tính đến đâu đi nữa. Nỗi đau khổ của ông ta sẽ làm anh đau đớn không nói ra được, vì trong thâm tâm anh vốn quý mến ông ta.

Anh sẽ làm gì trong trường hợp này, bạn thân mến của tôi? Nếu anh nghĩ ra được cách gì, hãy báo ngay cho tôi biết nhé, để tôi có thể lập tức bắt chước cách của anh.


Bertrand Russell và tư duy triết học


Khi hội đồng biên tập đề nghị tôi viết chút gì đó về Bertrand Russell, thì vì sự ngưỡng mộ và kính trọng của tôi đối với tác giả, tôi đã nhận lời ngay lập tức. Nhờ đọc các tác phẩm của ông, tôi đã được hưởng biết bao giờ hạnh phúc, điều mà tôi - ngoại trừ về Thorstein Veblen - khó có thể nói khi đọc bất kỳ cây bút khoa học đương thời nào khác. Song tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng, đưa ra một lời hứa thường dễ hơn là thực hiện nó.

Tôi đã hứa, sẽ viết gì đó về Russell như về một triết gia và một nhà nhận thức luận. Và khi tôi đầy tự tin bắt tay vào việc, tôi sớm nhận ra rằng, một người bấy lâu chỉ cẩn trọng dừng lại trong địa hạt vật lý như tôi đã liều lĩnh biết bao khi dám đặt chân vào một lĩnh vực hóc búa như vậy. Có thể hầu hết những điều tôi sắp trình bày sau đây là ngây ngô với những người am hiểu. Song tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ, một người với kinh nghiệm tư duy trong một lĩnh vực khác như tôi bao giờ cũng được ưu ái hơn so với người hoàn toàn không suy tư hay chỉ suy tư ít ỏi.

Trong quá trình phát triển của tư duy triết học những thế kỷ qua, câu hỏi sau đây đóng vai trò chủ đạo: Những nhận thức nào có thể được mang lại từ tư duy thuần túy, không phụ thuộc vào những ấn tượng cảm tính? Liệu có thể có những nhận thức như vậy không? Nếu không, nhận thức của chúng ta có quan hệ như thế nào với những chất liệu thô do những ấn tượng cảm tính của giác quan cung cấp. Các câu hỏi đó, và một số câu hỏi khác có liên hệ chặt chẽ với chúng tương ứng với một trường hỗn loạn hầu như không thể bao quát hết được của nhiều quan điểm triết học khác nhau. Trong những nỗ lực dũng cảm nhưng tương đối vô bổ này, dù sao cũng dễ nhận ra một vệt phát triển có hệ thống, đó là: sự hoài nghi ngày càng gia tăng trước mọi thử nghiệm theo hướng "tư duy thuần túy", hòng nắm bắt được điều gì đó về "thế giới khách quan" và thế giới "sự vật", đối lập với thế giới "của những biểu tượng và tư tưởng" đơn thuần. Độc giả cho phép tôi nói trong ngoặc kép rằng: ở đây cũng như nơi một triết gia đích thực, dấu ngoặc kép ("") được dùng khi muốn du nhập một khái niệm không chính đáng, và mong bạn đọc tạm thời cho phép, mặc dù nó còn khả nghi trước con mắt cú vọ của triết học.

Niềm tin cho rằng, chỉ cần tư duy thuần túy là có thể tìm ra mọi tri thức đáng giá trên đời, niềm tin ấy khá phổ biến trong buổi đầu của triết học. Đó đã là một ảo tưởng mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra nếu anh ta, trong một phút giây, tạm quên đi những gì anh ta đã học được từ triết học và khoa học tự nhiên sau này. Anh ta ắt sẽ không ngạc nhiên khi thấy Plato quy cho "ý niệm" một dạng thực tại cao hơn so với những sự vật có thể được nhận biết một cách thường nghiệm. Cả ở Spinoza và cho tới tận Hegel, định kiến này có vẻ vẫn còn giữ vai trò chủ đạo với tất cả sức mạnh sống động của nó. Có thể ai đó thậm chí sẽ đặt ra câu hỏi: Nếu không có một ảo tưởng như thế thì liệu có thể tạo ra được cái gì đó vĩ đại trong lĩnh vực tư duy triết học? Song về phần mình, chúng tôi không muốn đặt ra một câu hỏi như vậy.

Cái ảo tưởng nặng vẻ quý tộc về sức mạnh thâm nhập vô biên đứng đối đầu lại với cái ảo tưởng nặng vẻ bình dân về một thuyết duy thực ngây thơ, theo đó, sự vật "tồn tại" y hệt như khi ta tri giác chúng bằng giác quan. Ảo tưởng này chi phối hoạt động thường nhật của con người và thú vật. Nó cũng là khởi điểm của các khoa học, nhất là các khoa học tự nhiên.

Việc vượt qua hai ảo tưởng trên không độc lập với nhau. So ra, việc vượt qua thuyết duy thực ngây thơ là đơn giản hơn. Russell đã khắc họa quá trình này một cách đầy ấn tượng trong phần dẫn nhập của cuốn "An Inquiry into Meaning and Truth" của ông như sau:

"Chúng ta đều bắt đầu bằng "thuyết duy thực ngây thơ", nghĩa là bắt đầu bằng học thuyết cho rằng, sự vật tồn tại như nó xuất hiện ra [trước giác quan của ta]. Chúng ta thừa nhận rằng, cỏ thì xanh, tuyết thì lạnh và đá thì cứng. Nhưng vật lý học lại cam đoan với ta rằng, cái xanh của cỏ, cái lạnh của tuyết và cái cứng của đá không phải y hệt với cái xanh, cái lạnh và cái cứng mà chúng ta biết theo kinh nghiệm, mà là một cái gì đó khác hẳn. Nếu chúng ta tin vào vật lý học, chúng ta sẽ thấy rằng, khi một người quan sát cho rằng mình đang quan sát một hòn đá, thì nghĩa là trên thực tế, anh ta đang quan sát những tác động của hòn đá vào chính mình. Có vẻ như khoa học đang tự mâu thuẫn với chính nó: khi nó tự cho mình là khách quan cực độ, thì, trái với mong muốn của nó, nó lại chìm ngập trong tính chủ quan. Thuyết duy thực ngây thơ dẫn đến vật lý học; và vật lý học, về phần mình, lại chỉ ra rằng thuyết duy thực ngây thơ này, bao lâu nó cứ triệt để như thế, là sai lầm. Sai về logic; nghĩa là sai."

Không kể đến lối hành văn bậc thầy, những dòng chữ trên nói lên một điều gì mà trước đó tôi chưa hề nghĩ đến. Lối tư duy của Berkeley và Hume, nếu chỉ nhìn một cách hời hợt, có vẻ đối lập lại với lối tư duy của các khoa học tự nhiên. Nhưng nhận định trên của Russell đã phát hiện một mối liên hệ: Nếu Berkeley dựa trên nền tảng rằng chúng ta không trực tiếp nắm bắt các "sự vật" của thế giới bên ngoài thông qua giác quan, mà giác quan của chúng ta chỉ nhận biết được chúng thông qua các quá trình nối kết nhân quả với sự hiện diện của các "sự vật" - một sự suy tưởng như thế hẳn đã có được sức mạnh thuyết phục từ lòng tin vào lề lối tư duy vật lý học, thì sẽ không cần thiết phải đưa bất kỳ cái gì vào giữa khách thể và hành vi nhìn để ngăn cách khách thể và chủ thể, và biến "sự tồn tại của khách thể" thành một tồn tại đáng nghi vấn.

Lối tư duy vật lý này cũng như các kết quả thực tiễn của nó đã làm lay chuyển niềm tin vào khả năng cho rằng, chỉ bằng con đường tư duy tư biện đơn thuần là có thể hiểu được các sự vật và các mối quan hệ của chúng. Dần dần, niềm tin rằng tất cả sự hiểu biết về sự vật của chúng ta rốt cuộc đều là một sự xử lý các chất liệu thô của các giác quan đã chiến thắng. Nguyên lý ấy, trong hình thức phổ quát này (được diễn đạt mù mờ một cách cố ý) hiện đang được chấp nhận rộng rãi. Song niềm tin đó không hề dựa trên cơ sở, rằng đã có ai đó chứng minh được tính bất khả của việc thu hoạch các nhận thức hiện thực bằng con đường tư biện thuần túy, mà là: chỉ duy nhất con đường thực nghiệm nói trên đã chứng tỏ như là nguồn gốc của nhận thức. Galilei và Hume là những người đầu tiên đã đứng về phía nguyên lý này với tất cả sự sáng sủa và kiên quyết.

Hume đã nhận thấy rằng, các khái niệm được ta xem là cơ bản, ví dụ: "sự nối kết nhân quả", không thể được rút ra từ chất liệu do giác quan cung cấp. Cách nhìn ấy đã khiến ông có thái độ hoài nghi với tất cả các loại nhận thức. Nếu đã đọc những tác phẩm của ông, người ta sẽ không khỏi kinh ngạc khi những triết gia sau ông - trong đó có không ít người được đánh giá cao - đã viết vô khối những thứ lộn xộn mà vẫn tìm được độc giả ngưỡng mộ. Ông đã giữ được ảnh hưởng sâu đậm đến những người xuất sắc sau ông. Người ta nhận ra ông khi đọc các bài phân tích triết học của Russell, mà sự sắc sảo và lối viết giản dị của chúng luôn làm tôi nghĩ tới Hume.

Khát khao của con người là đòi hỏi phải có nhận thức được đảm bảo chắc chắn. Bởi thế, thông điệp rõ ràng của Hume làm ta thất vọng ê chề: Chất liệu thô cảm tính - nguồn gốc duy nhất của nhận thức, nhờ thói quen, có thể đưa chúng ta tới niềm tin và sự mong đợi, nhưng không thể đưa chúng ta tới sự nhận biết hay thậm chí đến sự thấu hiểu về các quan hệ có tính quy luật. Đúng ở điểm này, Kant đã xuất hiện với một ý tưởng - dù ở dạng diễn giải của ông, nó khó mà đứng vững được, song vẫn là một bước tiến để giải quyết thế lưỡng nan của Hume: Tất cả những gì có nguồn gốc thường nghiệm ở nơi nhận thức đều không bao giờ chắc chắn cả (Hume). Nghĩa là (theo Kant - ND), nếu chúng ta sở hữu nhận thức chắc chắn, thì nhận thức ấy phải được đặt cơ sở ở trong bản thân lý tính. Chẳng hạn, điều này được khẳng định khi bàn về các định lý của hình học và về nguyên lý nhân quả. Nhận thức này, và các nhận thức vững chắc khác có thể nói là một bộ phận trong bộ công cụ của tư duy; do đó, chúng không cần phải nhờ đến các dữ liệu do giác quan cung cấp mới có thể có được (tức gọi là nhận thức "a priori" - tiên nghiệm). Ngày nay mỗi chúng ta đều biết rằng, những nhận thức ấy tuyệt không có gì là chắc chắn, vâng, chúng tuyệt không sở hữu một sự tất yếu nào bên trong như Kant từng tin tưởng. Nhưng với tôi, nếu nhìn vấn đề từ quan điểm logic, lập trường của ông lại có vẻ đúng: đó là sự xác nhận, rằng chúng ta có lý do "chính đáng" khi sử dụng các khái niệm ấy để tư duy, những khái niệm mà chúng ta không thể có được từ chất liệu của các kinh nghiệm do giác quan mang lại.

Theo tôi, người ta thậm chí phải khẳng định mạnh mẽ hơn nữa: Những khái niệm xuất hiện trong tư duy và trong các biểu đạt bằng ngôn ngữ của chúng ta, tất cả - từ điểm nhìn logic - là những sáng tạo tự do của tư duy và không thể có được một cách quy nạp từ các kinh nghiệm giác quan. Sở dĩ điều này là khó nhận ra, chỉ vì chúng ta thường có thói quen gắn chặt một số khái niệm và liên kết khái niệm (mệnh đề) nhất định với một số kinh nghiệm giác quan nào đó của chúng ta, đến nỗi chúng ta không ý thức được khe nứt ngăn cách - về mặt logic là không thể vượt qua - giữa thế giới của các kinh nghiệm giác quan với thế giới của các khái niệm và mệnh đề.

Theo đó, chẳng hạn dãy số nguyên rõ ràng là một phát minh của trí tuệ con người, một công cụ tự tạo, nhằm trợ giúp việc sắp xếp những kinh nghiệm giác quan nhất định được dễ dàng. Song tuyệt không có cách nào để khái niệm này (dãy số nguyên - ND) có thể được nảy sinh từ bản thân các kinh nghiệm. Ở đây sở dĩ tôi chọn khái niệm "số" vì nó thuộc về tư duy tiền-khoa học và dù sao, tính cấu tạo (constructive) ở nó vẫn còn dễ nhận diện. Song, khi ta càng đi sâu vào những khái niệm sơ đẳng nhất của đời sống thường nhật, sức nặng của thói quen thâm căn cố đế sẽ càng gây khó khăn cho chúng ta trong việc nhận diện khái niệm ấy như là một sáng tạo tự do của tư duy. Như vậy, từ những tương quan nói trên, có thể nảy sinh một quan niệm nguy hại cho rằng, những khái niệm sở dĩ ra đời đều là từ các kinh nghiệm giác quan thông qua quá trình "trừu tượng hóa", nghĩa là bằng cách lược bớt đi một phần trong nội dung của nó. Tôi muốn chỉ ra rằng, tại sao quan niệm ấy với tôi lại nguy hại:

Nếu đã quen với phê phán của Hume, ta dễ có ý tưởng rằng, dường như có thể loại bỏ ra khỏi tư duy tất cả các khái niệm và mệnh đề có tính "siêu hình", nếu những khái niệm và mệnh đề ấy không có nguồn gốc từ chất liệu thô của kinh nghiệm giác quan. Bởi tất cả tư duy đều chứa đựng nội dung là chất liệu vốn không có nguồn gốc từ đâu khác ngoài mối liên hệ của nó với kinh nghiệm giác quan. Tôi thấy mệnh đề thứ hai này là hoàn toàn đúng, nhưng dựa trên đó để đề ra điều lệnh cho tư duy thì lại là sai. Bởi yêu sách ấy - nếu được thực hiện triệt để - sẽ loại bỏ bất kỳ thứ tư duy nào chỉ vì xem nó là "siêu hình".

Để tư duy không bị sa đà vào "siêu hình học" cũng như vào lý luận suông, chỉ cần có đủ các định luật của hệ thống khái niệm được kết nối chắc chắn với các kinh nghiệm giác quan; đồng thời hệ thống khái niệm - với nhiệm vụ sắp xếp các kinh nghiệm giác quan và làm cho ta dễ có cái nhìn thống quan về chúng - phải có tính thống nhất và tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, cái "hệ thống" ấy cần phải là một trò chơi tự do (có tính logic) với các biểu tượng dựa theo các luật chơi được đề ra một cách tùy tiện (nhưng hợp logic) theo các luật chơi. Tất cả các quy định trên cần được áp dụng như nhau cho tư duy thường nhật và cho lối tư duy được ý thức nhiều hơn về tính hệ thống trong khoa học.

Bây giờ hẳn tất cả đều hiểu điều tôi muốn nói sau đây: Bằng sự phê phán sáng sủa của mình, Hume đã không chỉ thúc đẩy triết học một cách quyết định mà sự phê phán ấy - không phải lỗi tại ông - đã trở thành một mối nguy hiểm, khi nó tạo ra một sự "sợ hãi trước siêu hình học". Nỗi sợ hãi ấy chứa đầy hiểm họa và là một căn bệnh của triết học thực nghiệm ngày nay; căn bệnh này là cái đối ứng với loại "triết học trên mây" trước đây, loại triết học vốn tưởng rằng không cần đến hoặc có thể bỏ qua dữ liệu cảm tính.

Với tất cả lòng ngưỡng mộ trước sự phân tích sắc sảo mà Russell đã mang lại cho chúng ta trong "Meaning and Truth", tôi vẫn thấy rằng, ngay cả ở đây, bóng ma của nỗi sợ siêu hình học vẫn hiện diện và gây ra một số tác hại. Chẳng hạn, tôi thấy hình như nỗi sợ này là nguyên nhân dẫn đến việc Russell coi "sự vật" như là "tập hợp các tính chất", trong đó "các tính chất" cần được tìm thấy trong các chất liệu thô từ giác quan. Vấn đề nảy sinh là: hai sự vật chỉ là một khi và chỉ khi chúng giống hệt nhau về "các tính chất", dẫn tới chỗ cần phải quy các quan hệ hình học giữa các sự vật với nhau thành "những tính chất" của chúng. (Nếu không, theo lý thuyết của Russell, ta sẽ phải coi tháp Eiffel ở Paris và tháp Eiffel ở New York là "cùng một sự vật"). Đối diện với vấn đề này, tôi hoàn toàn không thấy một "nguy cơ siêu hình" nào cả, khi ta đưa "sự vật" (tức "đối tượng" theo nghĩa vật lý học) như một khái niệm độc lập với cấu trúc không gian - thời gian của nó vào hệ thống.

Nhìn vào những nỗ lực ấy, tôi cảm thấy thỏa mãn khi rốt cuộc, chương cuối của cuốn sách đã đưa ra kết luận, rằng người ta không thể không cần đến "siêu hình học". Điều duy nhất mà tôi thấy không thoải mái khi đọc tới đó là cái lương tâm trí thức cắn rứt của tác giả cứ lẩn khuất giữa các dòng chữ.

Chào mừng nhà văn George Bernard Shaw

Hiếm có những người đủ độc lập đến mức có thể nhìn ra những điểm yếu và sự lố bịch của người đương thời và đồng thời không để mình bị lụy vào đấy. Song ngay cả như vậy, khi chạm phải sự lì lợm của người đời, những kẻ cô đơn này thường sớm đánh mất lòng dũng cảm trong việc cứu giúp nhân loại. Chỉ rất ít người, bằng sự hài hước tinh tế và bằng vẻ lịch thiệp, có thể làm say mê người đương thời và xứng đáng là người cầm đuốc trên con đường bất vị lợi của nghệ thuật. Hôm nay, với tình cảm nồng nhiệt, tôi xin chào mừng người thầy lớn nhất trên con đường ấy - người đã dạy chúng ta và khiến tất cả chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Bài phát biểu nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Arnold Berliner


Hôm nay tôi muốn nói với ông bạn Arnold Berliner và độc giả tạp chí "Die Naturwissens-chaften" (Các khoa học tự nhiên) của ông về việc tại sao tôi lại đánh giá cao ông và sự nghiệp của ông. Cần phải làm điều đó ngay tại đây vì nếu không, người ta sẽ chẳng có dịp nào để nói ra một điều như vậy.

Chính nền giáo dục hướng tới tính khách quan của chúng ta đã làm cho tất cả những gì riêng tư trở nên một thứ "cấm kỵ", mà để chống lại điều đó, con người trần thế [chúng ta] chỉ cho phép mình được phạm tội vào những dịp hết sức đặc biệt, như dịp này chẳng hạn.

Sau hồi mào đầu cho thoải mái, bây giờ xin quay lại với tính khách quan! Nhờ sự mở rộng mạnh mẽ phạm vi của lĩnh vực những sự thật được tổng kết một cách khoa học mà nhận thức lý thuyết ở tất cả các lĩnh vực của các khoa học đã được đào sâu một cách bất ngờ. Nhưng năng lực thâu tóm [tri thức] của con người vẫn đang, và sẽ còn tiếp tục bị gắn vào những phạm vi hạn hẹp. Do vậy, có một điều đã không thể tránh khỏi là hoạt động của nhà nghiên cứu riêng lẻ phải thu về một nhánh ngày càng hẹp hơn của tòa nhà tri thức. Nhưng còn tệ hơn nữa: cùng với sự chuyên biệt hóa này, thậm chí sự hiểu biết chung đơn thuần về cái tổng thể của khoa học ngày càng khó theo kịp với sự phát triển đó, mà nếu thiếu sự hiểu biết chung ấy thì tinh thần nghiên cứu đích thực sẽ bị tê liệt một cách tất yếu. Sẽ xuất hiện một tình thế tương tự như tình thế được khắc họa một cách tượng trưng qua câu chuyện xây dựng tháp Babel trong Kinh Thánh. Mỗi nhà nghiên cứu nghiêm túc đều biết đến cái cảm nhận đau đớn về sự giới hạn miễn cưỡng vào một phạm vi hiểu biết ngày càng hẹp hơn; điều đó đe dọa cướp đi cái viễn tượng rộng lớn ở nhà nghiên cứu và làm anh ta suy thoái thành một gã trợ thủ đơn thuần.

Tất cả chúng ta đều chịu cảnh đau đớn đó, nhưng lại chẳng làm gì để xoa dịu nó. Song Arnold Berliner đã giải cứu cho khu vực Đức ngữ một cách mẫu mực. Ông nhận ra rằng, các tạp chí [khoa học] dành cho đại chúng như [số lượng] hiện có hẳn đã thừa đủ để dạy dỗ và kích thích đám độc giả không chuyên. Ông còn thấy rằng, nhất thiết cần phải có một cơ quan được điều hành một cách đặc biệt cẩn trọng và có hệ thống để phục vụ cho việc định hướng khoa học của các nhà nghiên cứu, những người muốn được chỉ dẫn về sự phát triển của những vấn đề, những phương pháp và những kết quả khoa học, để tự bản thân họ có thể đưa ra một đánh giá. Mục đích ấy đã được ông theo đuổi trong nhiều năm ròng lao động với sự hiểu biết lớn lao và với sự dẻo dai cũng lớn lao không kém. Ông đã làm một nghĩa cử cho tất cả chúng ta cũng như cho khoa học mà vì lẽ đó, chúng ta chẳng thể nào mang ơn ông cho đủ được.

Ông đã đặt ra yêu cầu là phải thu hút được sự cộng tác của các tác giả khoa học thành đạt, và thuyết phục họ trình bày chủ đề của mình bằng một hình thức sao cho những người không phải là chuyên gia cũng có thể tiếp cận được. Ông thường kể cho tôi nghe về những cuộc đấu tranh mà ông đã phải vượt qua trong nỗ lực ấy. Một lần, trước mặt tôi, ông đã khắc họa những khó khăn bằng một câu hỏi vui như sau: "Một tác giả khoa học là gì?" Trả lời: "Là sự giao nhau giữa một bông hoa mimôsa với một con bọ trích." Thành tựu của Berliner chỉ có thể có được là nhờ ở ông đã luôn đặc biệt sống động niềm khao khát vươn tới một sự tổng quan sáng sủa về một lĩnh vực rộng lớn đến mức tối đa. Chính quan niệm này đã dẫn ông tới việc miệt mài hết mình gắng sức để hoàn thành một cuốn sách giáo khoa về vật lý học, cuốn sách mà mới đây một sinh viên y khoa có nói với tôi: "Nếu không có cuốn sách đó thì em thật không biết phải làm thế nào để trong khoảng thời gian [ngắn], có thể nắm bắt được một cách rõ ràng về các nguyên tắc của vật lý học hiện nay."

Cuộc đấu tranh của Berliner cho sự sáng sủa và sự tổng quan đã đóng góp lớn lao biết bao để các vấn đề, các phương pháp và các kết quả của khoa học được trở nên sống động trong trí não của nhiều người. Trong đời sống khoa học của thời đại chúng ta, chẳng thể nghĩ rằng có thể thiếu được tờ tạp chí của ông nữa. Việc làm cho nhận thức ấy được sống động và giữ cho nó luôn sống động cũng quan trọng như việc giải quyết các vấn đề đơn lẻ vậy.

Josef popper-lynkeus

Josef Popper-Lynkeus nguyên tên khai sinh là Josef Popper, sinh năm 1838 ở Kolin (Cộng hòa Sec), mất năm 1921 ở Wien (Áo). Ông là nhà văn, nhà lý luận chính trị xã hội, kỹ sư, nhà sáng chế. Bên cạnh những phát minh nổi tiếng trong các lĩnh vực chế tạo máy và hàng không, ông còn là tác giả của nhiều bài viết và tác phẩm xuất sắc trong các lĩnh vực văn học, chính trị và xã hội học.

Josef Popper-Lynkeus còn hơn cả một kỹ sư và một nhà văn đầy trí tuệ. Ông thuộc về số ít những nhân cách lớn, hiện thân cho lương tâm của thế hệ mình. Ông luôn nhắc nhở chúng ta rằng, xã hội phải chịu trách nhiệm về số phận của từng cá nhân, và ông đã chỉ ra cách làm thế nào để thực hiện trong thực tế nghĩa vụ được rút ra từ nhận định ấy của một cộng đồng.

Với ông, cộng đồng cũng như nhà nước không phải là một đối tượng để sùng bái; quyền được đòi hỏi các cá nhân phải hi sinh vì nó chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng nghĩa vụ của nó là: tạo điều kiện cho cá nhân, từng cá nhân đơn lẻ, được phát triển hài hòa.

H. A. Lorentz: Nhà bác học - nhân cách lớn


Tiểu luận này được Einstein viết xong cuối tháng 2 năm 1953 để gửi đến Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của H. A. Lorentz (18.7.1853 - 18.7. 1953) ở Leiden, Hà Lan.Vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ, H. A. Lorentz được các nhà vật lý lý thuyết của mọi quốc gia xem là lãnh tụ tinh thần, và điều đó hoàn toàn có cơ sở.

Các nhà vật lý thế hệ trẻ hơn thường không ý thức được đầy đủ về vai trò quyết định của H. A. Lorentz trong việc thiết lập những ý tưởng cơ sở cho vật lý lý thuyết.

Sở dĩ có sự lạ lùng này là vì những ý tưởng nền tảng của Lorentz đã trở thành máu thịt của họ, đến nỗi họ không còn khả năng ý thức trọn vẹn về sức nặng của các ý tưởng này cũng như sự đơn giản hóa trong nền tảng vật lý nhờ chúng mà có được.

Khi H. A. Lorentz bắt đầu sự nghiệp, thuyết Maxwell về điện từ đã được khẳng định. Song gắn liền với lý thuyết này là một sự phức tạp đáng lưu ý về nền tảng, khiến cho những đặc điểm chủ yếu của lý thuyết đã không được bộc lộ hoàn toàn rõ ràng. Khái niệm "trường" tuy đã thay thế được khái niệm "tác động từ xa", song điện trường và từ trường chưa được xem là các đại lượng cơ bản, mà chỉ là các trạng thái của vật chất có trọng lượng, được xét như các môi trường liên tục (continuum). Theo đó, điện trường được phân tách ra thành: vectơ của cường độ điện trường và vectơ của chuyển dịch điện môi. Trong trường hợp đơn giản nhất, hai trường này được kết nối với nhau bằng hằng số điện môi; song về nguyên tắc, chúng được nhìn nhận và xử lý như hai đại lượng độc lập. Với từ trường, tất cả cũng tương tự như vậy. Quan niệm cơ bản này tương ứng với việc người ta xử lý không gian rỗng như một trường hợp đặc biệt của vật chất có trọng lượng, mà trong đó quan hệ giữa cường độ [điện, từ] trường và dịch chuyển điện môi chỉ xuất hiện một cách đặc biệt đơn giản. Nhất là, từ quan niệm này nảy sinh một hệ quả: điện trường và từ trường không thể được xem xét độc lập với trạng thái chuyển động của vật chất (vật chất được coi là khung đỡ cho điện trường và từ trường).

Ta có thể hiểu rõ về quan điểm được xem là phổ biến thời đó trong điện động học Maxwell bằng cách tham khảo công trình nghiên cứu của Heinrich Hertz về điện động học của các vật chuyển động.

Và ở đây, Lorentz đã đưa ra lời giải đáp. Ông đã đặt cơ sở nghiên cứu của mình một cách chặt chẽ trên giả thuyết sau:

Nơi trụ của trường điện từ là không gian rỗng. Trong không gian rỗng chỉ có một vectơ điện trường và một vectơ từ trường. Trường này được sản sinh do các hạt tích điện dạng nguyên tử, và đồng thời trường tác động ngược lại vào các hạt tích điện đó theo cách phản điện (pondermotive). Một sự kết nối giữa trường điện động (electromotive) với vật chất có trọng lượng chỉ tồn tại khi các hạt tích điện cơ bản không tách rời với các phần tử dạng nguyên tử của vật chất. Định luật chuyển động của Newton có giá trị trong trường hợp sau.

Dựa trên nền tảng đã được đơn giản hóa này, Lorentz đã thiết lập một thuyết hoàn chỉnh về tất cả các hiện tượng điện từ đã biết đến khi đó, kể cả hiện tượng điện động của các vật chuyển động. Đó là một tác phẩm của sự mạch lạc, rõ ràng và đẹp đẽ đến mức hiếm khi có thể đạt được ở một ngành khoa học vốn đặt nền móng trên kinh nghiệm. Hiện tượng duy nhất mà thuyết này không giải thích được triệt để - nghĩa là không giải thích được nếu thiếu các giả thiết bổ sung - là thí nghiệm nổi tiếng Michelson-Morley. Thí nghiệm này đã dẫn đến thuyết tương đối hẹp, và điều đó là không thể tưởng tượng được nếu thiếu sự quy điểm trụ của điện từ trường vào không gian rỗng. Bước tiến cơ bản là việc đưa các phương trình của Maxwell trở lại xem xét trong chân không - hay là trong ether theo cách nói hồi đó.

H. A. Lorentz thậm chí đã tìm ra một phép biến đổi mang tên ông: "Phép biến đổi Lorentz" - tuy nhiên ông đã không để ý đến những tính chất nhóm của nó. Đối với ông, các phương trình Maxwell trong không gian rỗng chỉ đúng trong một hệ tọa độ nhất định, đứng yên đối với tất cả các hệ tọa độ khác. Đó hẳn là một quan niệm nghịch lý, bởi xem ra thuyết ấy còn hạn chế hệ quán tính hơn cả cơ học cổ điển. Tình hình ấy, xét từ quan điểm thực nghiệm thì không mấy phấn khởi, nhưng ắt hẳn đã dẫn tới thuyết tương đối hẹp.

Nhờ sự tiếp đón thân tình của Đại học Leiden, tôi thường có thời gian lưu lại nhiều ngày ở Leiden - nơi tôi thường tá túc tại nhà người bạn yêu mến không quên Paul Ehrenfest. Thời gian đó, tôi thường có cơ hội cùng tham dự các bài giảng của Lorentz, các bài giảng mà ông thường thực hiện đều đặn trước một cử tọa hẹp trong giới chuyên môn trẻ tuổi hơn, sau khi ông đã rút khỏi vị trí giảng dạy chính thức. Tất cả những gì đến từ khối óc siêu việt ấy đều sáng sủa và đẹp đẽ tựa như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, và người ta có cảm tưởng rằng, tất cả đều đến một cách thoải mái và dễ dàng. Tôi chưa từng thấy điều tương tự ở bất kỳ ai khác.

Nếu chúng ta có thể truyền lại cho giới trẻ biết rằng H. A. Lorentz là một trí tuệ sáng ngời, thì chỉ với điều đó thôi, sự ngưỡng mộ và kính trọng của chúng ta đối với ông đã là độc nhất vô nhị. Còn riêng cá nhân tôi, điều tôi luôn cảm nhận mỗi khi nghĩ về H. A. Lorentz, điều mãi mãi không phai mờ trong tôi, là: ông có ảnh hưởng với tôi hơn tất cả những người mà tôi đã gặp trên đường đời.

Giống như cách ông làm chủ vật lý và hình thức toán học, ông cũng làm chủ bản thân mình dễ dàng và thoải mái như vậy. Sự thiếu vắng kỳ lạ về các điểm yếu của con người nơi ông không bao giờ khiến người khác cảm thấy nặng nề. Ai cũng cảm nhận được sự vượt trội của ông, song không ai thấy mặc cảm. Bởi vì, mặc dù ông hiểu thấu con người và các quan hệ giữa người với người, ông luôn dành thiện chí như nhau cho tất cả mọi người. Chưa bao giờ ông tỏ ra muốn chế ngự mà luôn luôn chỉ muốn phục vụ và giúp đỡ. Ông luôn tận tâm tận sức, và chưa bao giờ xem sự đền đáp công trạng là quan trọng. Nét hài hước tinh tế trong ánh mắt và trên nụ cười đã luôn bảo vệ ông trước điều đó. Nó cũng hợp với thực tế, là bên cạnh tất cả những cống hiến cho tri thức khoa học, ông còn thấu hiểu rằng, sự hiểu biết của chúng ta không thể nào thâm nhập sâu vào bản chất của sự vật. Thái độ nửa hoài nghi nửa hạ mình này, phải mãi tới khi có tuổi, tôi mới biết đánh giá hết.

Ngôn từ - hoặc ít nhất là ngôn từ của tôi - không thể nói hết được điều muốn nói trong bài tiểu luận ngắn này, dù tôi đã cố gắng một cách nghiêm cẩn. Vì vậy tôi muốn trích dẫn hai câu nói ngắn của Lorentz, những câu đã đặc biệt gây tác động đến tôi:

"Tôi thấy hạnh phúc được là công dân của một quốc gia nhỏ, nhỏ đến độ nó không thể gây ra những sự ngu xuẩn lớn."

Trong một cuộc trao đổi hồi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, một quý ông đã cố gắng thuyết phục Lorentz rằng, số phận con người được quyết định bởi sức mạnh và bạo lực, ông trả lời: "Rất có thể là ngài có lý, nhưng tôi không muốn sống trong một thế giới như vậy".



No comments:

Post a Comment

Trang