được sưu tầm bởi HXK

đây chỉ là những thông tin về những người mà tôi cho rằng họ giỏi, tôi khâm phục họ, tìm hiểu họ qua cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm cũng như tư tưởng của họ để lại trên thế gian này. cho những con người của thời đại họ sống và cho hậu thế.

Thursday, July 1, 2010

trích cuốn thế giới như tôi thấy p1(Albert Einstein )

Sản xuất và sức mua


Tôi không nghĩ rằng, biện pháp chống lại các khó khăn hiện nay lại nằm chính ở nhận thức về năng lực sản xuất và tiêu thụ, bởi vì sự hiểu biết nói chung về điều này thường đến sau đó. Hơn nữa, đối với tôi, dường như điều bất cập ở nước Đức không phải ở sự phình ra quá mức của bộ máy sản xuất, mà ở việc thiếu sức mua của bộ phận lớn dân cư, những người bị loại bỏ ra khỏi quá trình sản xuất do quá trình hợp lý hóa sản xuất.

Theo ý kiến của tôi, nền tiền tệ được bảo đảm bằng vàng có bất lợi lớn ở chỗ, sự khan hiếm trữ lượng vàng tự động dẫn tới sự khan hiếm khối lượng tín dụng cũng như phương tiện thanh toán trong lưu thông. Giá cả và lương sẽ không thể thích ứng một cách nhanh chóng với sự khan hiếm này.

Theo tôi, phương tiện tất nhiên để loại bỏ tình trạng lộn xộn này là:

1) Giảm bớt thời gian lao động theo luật định tùy theo các loại ngành nghề, để loại trừ nạn thất nghiệp, kết hợp với việc xác định lương tối thiểu để điều tiết sức mua của nhân dân theo mức sản xuất hàng hóa có thể.

2) Điều tiết lượng tiền luân chuyển và khối lượng tín dụng bằng cách ổn định giá cả hàng hóa ở mức trung bình, trong khi hủy bỏ mọi sự bao cấp đặc biệt.

3) Hạn chế bằng pháp luật giá của những hàng hóa được tạo ra bởi sự độc quyền hoặc bởi tổ hợp doanh nghiệp thoát ly khỏi sự cạnh tranh tự do.

Sản xuất và lao động


Trả lời một bức thư gửi đến

San xuat va lao dong
Tôi nhìn thấy sự bất cập chủ yếu ở trong tự do gần như vô hạn của thị trường lao động gắn liền với những tiến bộ phi thường của các phương pháp sản xuất. Để sản xuất những gì cần thiết cho các nhu cầu hiện nay, người ta không cần đến tất cả lực lượng lao động hiện có. Từ đây xuất hiện nạn thất nghiệp và cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa những người lao động. Ngoài ra, từ cả hai nguyên nhân trên, xuất hiện sự suy giảm sức mua và đồng thời là sự bóp nghẹt quá mức của toàn bộ chu trình kinh tế.

Tôi cũng được biết rằng, theo các nhà kinh tế tự do, việc gia tăng các nhu cầu sẽ cân đối lại mọi sự tiết kiệm về sức lao động. Tuy nhiên, tôi không tin điều này, và kể cả khi nó là có thật, thì các yếu tố kể trên luôn dẫn tới kết quả là mức sống của phần lớn dân chúng bị giảm sút một cách hoàn toàn giả tạo.

Cùng với quý vị, tôi cũng tin rằng, nhất thiết phải quan tâm để làm sao cho những người trẻ hơn có thể và cần phải tham gia vào quá trình sản xuất. Tôi cũng cho rằng, người ta nên đưa những người nhiều tuổi hơn khỏi những công việc nhất định mà tôi coi là không đòi hỏi trình độ. Bù lại, họ sẽ nhận được một khoản lương hưu, vì trước đây, trong một thời gian dài, họ đã thực hiện công việc một cách có hiệu quả, được xã hội thừa nhận.

Tôi cũng ủng hộ chủ trương dẹp bỏ các thành phố lớn. Tôi không ủng hộ việc định cư những người thuộc nhóm đặc biệt, chẳng hạn những người già vào trong các thành phố đặc biệt. Tôi phải nói rằng, đối với tôi, tư tưởng này là đáng ghê tởm.

Tôi cũng cho rằng, cần phải tránh sự chao đảo về giá trị đồng tiền, cụ thể bằng cách thay thế tiền vàng bằng đơn vị tiền tệ tương ứng với một lượng hàng hóa đa dạng, được ấn định theo tương quan sử dụng. Đó là một lượng hàng hóa như đã được Keynes đề nghị từ lâu, nếu tôi không nhầm. Khi vận dụng biện pháp này, người ta có thể chấp nhận một sự “lạm phát” nào đó đối với giá trị đồng tiền hiện nay, một khi người ta tin rằng, nhà nước thực sự sẽ biết sử dụng hợp lý món quà tặng được dành cho mình.

Theo quan niệm của tôi, các điểm yếu trong bản kế hoạch của ông chính là ở yếu tố tâm lý hoặc ở sự coi thường yếu tố này. Chủ nghĩa tư bản mang đến những tiến bộ không chỉ cho sản xuất, mà còn cho nhận thức. Đó không phải ngẫu nhiên. Thói ích kỷ và ganh đua (thật đáng tiếc) là những thế lực mạnh mẽ hơn là tinh thần cộng đồng hay ý thức trách nhiệm. Ở nước Nga, người ta thậm chí không có được một chiếc bánh mỳ đàng hoàng… Có lẽ tôi quá bi quan về những gì liên quan đến các doanh nghiệp của nhà nước và của các “tập thể” khác, nhưng tôi vẫn không trông đợi một cái gì tốt đẹp từ đó cả. Nạn quan liêu là Tử thần của mọi năng suất. Bản thân tôi đã nhìn thấy và nếm trải quá nhiều điều khủng khiếp, kể cả ở nước tương đối mẫu mực như là Thụy Sĩ.

Tôi có xu hướng cho rằng, nhà nước có thể thực sự có vai trò đối với quá trình sản xuất chỉ với tư cách là nhân tố hạn chế và điều tiết. Nhà nước phải quan tâm sao cho sự cạnh tranh của các lực lượng lao động được vận động trong các giới hạn lành mạnh, sao cho một sự phát triển bền vững được đảm bảo cho tất cả trẻ em và sao cho đồng lương lao động có đủ, để các hàng hóa được sản xuất ra cũng được sử dụng. Qua chức năng điều tiết của mình, nhà nước có thể có ảnh hưởng quyết định, nếu các biện pháp của nó được các chuyên gia độc lập chuẩn bị tốt về mặt chuyên môn nghiệp vụ.

Một số ghi chú về tình hình Châu Âu hiện nay

Tình hình chính trị hiện nay của thế giới và đặc biệt là của châu Âu, theo tôi, dường như có đặc điểm là sự phát triển về chính trị lại bị tụt hậu cả về vật chất lẫn tinh thần so với quá trình phát triển kinh tế vốn đã biến đổi trong thời gian tương đối ngắn ngủi; Các lợi ích của các quốc gia riêng rẽ phải đặt dưới những lợi ích của các cộng đồng lớn hơn.

Cuộc đấu tranh cho quan điểm mới này của tư duy và cảm nhận chính trị là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, bởi vì nó trái ngược với truyền thống từ hàng trăm năm nay. Nhưng khả năng tồn tại của châu Âu lại phụ thuộc vào lối thoát may mắn ấy. Tôi tin tưởng vững chắc rằng, sau khi vượt qua các trở ngại về mặt tâm lý, việc giải quyết các vấn đề hiện thực sẽ không còn quá khó khăn nữa. Để tạo ra bầu không khí tích cực, trước hết cần phải có sự liên kết về con người giữa những người có cùng mục tiêu chung. Mong sao những nỗ lực hợp nhất này sẽ thành công để bắt được một nhịp cầu tin cậy giữa các dân tộc!

Bàn về sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc

Thưa Bà Roosevelt! Tôi xin cảm ơn Bà, vì Bà đã cho tôi cơ hội trình bày quan điểm của tôi về vấn đề chính trị quan trọng nhất này:

Trong tình trạng hiện nay của kỹ thuật quân sự, sự tin tưởng rằng, người ta có thể có được an ninh nhờ vũ trang cho đất nước mình, hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Về phía nước Mỹ, ảo tưởng này còn được khuyến khích đặc biệt bởi một ảo tưởng thứ hai là trước tiên thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử ở nước này. Người ta có xu hướng tin rằng, về lâu dài có thể đạt được ưu thế tuyệt đối về quân sự. Theo cách này, người ta tin là có thể làm cho bất cứ kẻ thù tiềm năng nào phải khiếp sợ, qua đó mang lại cho chính chúng ta và toàn thể nhân loại an ninh mà tất cả mọi người mong muốn tha thiết. Câu châm ngôn được chúng ta tin cậy trong suốt năm năm qua là: An ninh bằng sức mạnh vượt trội, dù phải trả bằng bất cứ giá nào.

Hậu quả của thái độ máy móc, kỹ thuật-quân sự và tâm lý này là không thể tránh được. Mọi hành động đối ngoại đều bị khống chế bởi quan điểm duy nhất: Chúng ta phải hành động như thế nào để trong trường hợp chiến tranh, có được ưu thế hơn hẳn so với kẻ thù? Đó là việc thiết lập các căn cứ quân sự tại tất cả các vị trí quan trọng về chiến lược trên trái đất, vũ trang và gia tăng sức mạnh về kinh tế cho các nước đồng minh tiềm tàng; ở trong nước, tập trung quyền lực tài chính khổng lồ vào trong tay quân đội, quân phiệt hóa giới trẻ, giám sát lòng trung thành của các công dân và đặc biệt của các quan chức thông qua hệ thống cảnh sát ngày càng trở nên hùng mạnh, đe dọa những người có tư duy chính trị độc lập, gây ảnh hưởng đến tâm trạng của dân chúng thông qua đài phát thanh, báo chí và trường học, cấm các khu vực thông tin đang phát triển viện cớ liên quan đến bí mật quân sự.

Những hậu quả tiếp theo: Cuộc chạy đua vũ trang vốn được xem là sự phòng ngừa giữa Liên Xô và Mỹ nay mang tính chất điên rồ. Ở cả hai phía, phương tiện giết người hàng loạt được sản xuất trong tình trạng dồn dập sôi động đằng sau những bức tường bí mật.

Trong triển vọng, bom H được xem như một mục tiêu có thể đạt được. Tổng thống long trọng công bố về sự phát triển nhanh chóng của nó. Nếu thành công, thì về mặt kỹ thuật, bom H có thể gây ra hiện tượng nhiễm phóng xạ cho bầu khí quyển và sự huỷ hoại toàn bộ sự sống trên trái đất. Điều khủng khiếp của diễn biến này chính là ở tính có vẻ tất yếu của nó. Mỗi bước tiến dường như là hậu quả không thể tránh được của người đi bước trước. Có thể thấy ngày càng rõ rằng, rút cuộc sẽ là sự hủy diệt tất cả.

Liệu có thể có giải pháp gì nói chung để cứu vãn tình hình do chính con người tự tạo ra này được hay không? Tất cả chúng ta và đặc biệt là những người có trách nhiệm về hành động của Mỹ và Liên Xô, cần phải học cách thừa nhận rằng, tuy họ đã kìm chế được kẻ thù bên ngoài, nhưng lại không có khả năng tự giải phóng mình khỏi tâm trạng do chiến tranh tạo ra. Không thể đạt được hòa bình thực sự, nếu người ta định hướng phương thức hành động của mình dựa vào khả năng có thể xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt khi người ta ngày càng biết rõ rằng, một cuộc xung đột chiến tranh như thế có nghĩa là sự hủy diệt tất cả. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo của tất cả các hành động chính trị phải là: Chúng ta có thể làm được gì để tạo ra được một sự chung sống hòa bình, thỏa đáng trong khuôn khổ có thể giữa các quốc gia? Vấn đề đầu tiên là loại bỏ nỗi sợ hãi và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Sự khước từ một cách long trọng đối với việc sử dụng bạo lực chống lại nhau (không chỉ là sự khước từ đối với việc sử dụng các phương tiện giết người hàng loạt) dĩ nhiên là cần thiết. Sự khước từ đó chỉ trở nên có hiệu quả, nếu nó gắn liền với việc áp dụng một cấp thẩm quyền hành pháp và tư pháp siêu quốc gia. Quyền quyết định về các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh của các quốc gia, được chuyển giao cho cấp thẩm quyền này. Ngay một lời tuyên bố của các quốc gia về sự cộng tác trung thành để thực hiện một “Chính phủ thế giới hạn chế” như vậy, cũng sẽ làm giảm một cách đáng kể nguy cơ chiến tranh.

Rút cuộc, mọi sự chung sống hòa bình của con người, thứ nhất, dựa vào sự tin cậy lẫn nhau, thứ hai, dựa vào các thiết chế như tòa án và cảnh sát. Điều này có giá trị cả cho các quốc gia lẫn cho các cá nhân riêng lẻ. Nhưng, sự tin cậy chỉ dựa vào một mối quan hệ trung thực của “give and take” tức là của “cho và nhận”.

Nhưng sự tin cậy ấy có quan hệ ra sao với sự kiểm soát quốc tế? Giờ đây [so với lòng tin cậy lẫn nhau] sự kiểm soát quốc tế chỉ có thể có vai trò hữu ích thứ yếu với tư cách là một biện pháp cảnh sát. Người ta có thể thực hiện tốt vai trò này ở đây, mà vẫn không đề cao quá mức tầm quan trọng của nó. So với giải pháp “cấm rượu” [ở Mỹ], thì đây là việc đáng suy ngẫm.

Hướng đến an ninh của nhân loại


Sự khám phá ra các phản ứng dây chuyền của nguyên tử không đòi hỏi con người thực hiện việc tàn phá nhiều hơn là việc phát minh ra que diêm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để loại trừ sự lạm dụng. Ở trình độ hiện nay của phương tiện kỹ thuật, chỉ có một tổ chức siêu quốc gia gắn liền với một quyền lực hành pháp đủ mạnh mới có thể bảo vệ được chúng ta.

Nếu chúng ta đã thừa nhận điều này, thì chúng ta sẽ tìm thấy lực lượng mang đến sự hy sinh cần thiết cho an ninh của nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng sẽ có lỗi, nếu mục tiêu này không được thực hiện kịp thời. Điều đáng sợ là ở chỗ, mỗi người không làm gì cả mà chỉ chờ đợi người khác làm cho mình.

Sự tôn trọng đối với những tiến bộ khoa học đã đạt được trong thế kỷ này, đều được thể hiện ở mỗi người, từ người có đôi chút trình độ cho đến người quan sát nông nổi, chỉ nhìn thấy những áp dụng về mặt kỹ thuật. Nhưng người ta sẽ không đánh giá quá mức những thành tựu của thời đại vừa qua, khi người ta nhớ đến những vấn đề của khoa học ở quy mô lớn. Điều này cũng giống như trong chuyến đi bằng xe lửa: Nếu người ta chỉ chú ý đến vùng lân cận tiếp theo, thì người ta dường như sẽ đạt được trong nháy mắt. Còn nếu người ta chú ý đến những hình thù lớn như những dãy núi cao, thì tình hình sẽ chỉ thay đổi dần dần. Điều này cũng tương tự, nếu người ta gặp phải những vấn đề lớn của khoa học.

Theo ý kiến của tôi, thật không có lý, khi nói một cách chung chung về “lối sống của chúng ta” hay lối sống của người Nga. Trong cả hai trường hợp, người ta nói đến sự tập hợp của các truyền thống và thói quen. Tập hợp này không tạo ra một chỉnh thể hữu cơ. Tốt hơn hết là tự hỏi mình xem, những cơ cấu nào, những truyền thống nào là có hại hoặc có lợi cho con người, những cơ cấu nào, những truyền thống nào làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn hoặc đau khổ hơn. Khi đó, người ta phải cố gắng thực thi cái đã được nhận thấy là tốt hơn, không phụ thuộc vào câu hỏi, liệu hiện nay, nó có thực hiện được hay không ở chúng ta hoặc ở một nơi nào đó khác.

Chúng ta - Những người thừa kế di sản


Các thế hệ trước đây đã có thể tin rằng, những tiến bộ về tinh thần và văn minh, đối với họ, không phải là một cái gì khác hơn là những thành quả được thừa hưởng từ lao động mà tổ tiên đã tạo ra, những thành quả đảm bảo cho họ một cuộc sống dễ chịu hơn và tốt đẹp hơn.

Những tai họa lớn của thời đại chúng ta đã chỉ ra rằng, điều này đã chỉ là một ảo tưởng nguy hiểm.

Chúng ta thấy rằng, phải thực hiện những nỗ lực lớn nhất để di sản này của nhân loại không mang đến điều bất hạnh, mà mang đến điều hạnh phúc. Nếu trước đây, con người đã từng được coi là có giá trị xã hội khi được giải phóng ở mức độ nào đó khỏi thói ích kỷ cá nhân, thì hiện nay, con người được đòi hỏi phải vượt qua được thói ích kỷ giai cấp và dân tộc của mình. Bởi vì chỉ khi vượt lên cao như vậy, con người mới có thể đóng góp vào việc thay đổi số phận của cộng đồng nhân loại theo hướng tốt hơn.

Trước đòi hỏi quan trọng này của thời đại, những người dân thuộc các quốc gia nhỏ lại ở hoàn cảnh tương đối thuận lợi hơn so với những người dân thuộc các quốc gia lớn, bởi vì cả về chính trị và kinh tế, những người dân này tránh được những cám dỗ của sự bành trướng quyền lực một cách tàn bạo. Hiệp định giữa Hà Lan và Bỉ, một hiệp định đã tạo ra điểm sáng duy nhất trong sự phát triển của châu Âu trong thời đại hiện nay, đã cho phép hy vọng rằng, các quốc gia nhỏ có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nỗ lực đạt được sự giải phóng khỏi ách thống trị nhục nhã của chủ nghĩa quân phiệt, nhờ việc khước từ đối với quyền tự quyết tự do, không hạn chế.


Vài suy nghĩ về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới

Nếu có một cái gì đó có thể đem lại can đảm cho một người không chuyên về lĩnh vực kinh tế để người đó có thể phát biểu ý kiến về bản chất của khó khăn kinh tế đáng lo ngại hiện nay, thì đó chỉ là sự hỗn độn tuyệt vọng của các ý kiến của những nhà chuyên môn mà thôi.

Điều tôi muốn nói cũng chẳng mới mẻ gì và cũng không gì hơn là sự thể hiện quan điểm của một con người độc lập và thẳng thắn - không bị trở ngại bởi những định kiến dân tộc và giai cấp - một người không mong muốn gì hơn là hạnh phúc của nhân loại và việc xây dựng cuộc sống của con người càng hài hòa càng tốt. Nếu tôi viết như thể tôi đã tin chắc về chân lý trong những phát biểu của mình, thì điều đó chỉ là để có được hình thức diễn đạt thoải mái hơn mà thôi, chứ không phải là biểu hiện của một sự tự tin không có cơ sở, hay là niềm tin vào tính chất không thể sai lầm của quan điểm tư duy mộc mạc của mình về các mối quan hệ rắc rối kỳ quặc trong thực tế.

Theo tôi, cuộc khủng hoảng này sở dĩ không có cùng tính chất của các khủng hoảng trước đó, là vì nó dựa trên cơ sở những quan hệ hoàn toàn mới lạ, tức là những quan hệ bị quy định bởi sự tiến bộ nhanh chóng của các phương pháp sản xuất: để sản xuất ra toàn bộ khối lượng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho cuộc sống, thì chỉ cần tới có mỗi một phần nhỏ sức lao động con người có thể có mà thôi. Thực tế này tất yếu quy định nạn thất nghiệp trong một nền kinh tế hoàn toàn tự do.

Chính trong một nền kinh tế tự do, đa số người dân bị bắt buộc phải lao động để kiếm được số lương công nhật tối thiểu cho cuộc sống. Điều này có những lý do không cần phân tích ở đây. Vậy là trong hai chủ nhà máy cùng sản xuất chủng loại hàng hóa như nhau và với cùng điều kiện giống nhau, chỉ trụ lại người nào có khả năng sản xuất ra hàng hóa rẻ hơn khi thuê mướn ít công nhân hơn, tức là người nào ép buộc từng công nhân phải làm việc lâu và với cường độ lớn tới mức mà thể lực tự nhiên của con người có thể chịu đựng được. Từ đó dẫn tới một kết quả tất yếu là trong tình trạng phương pháp lao động hiện nay, chỉ có một phần sức lao động có thể được sử dụng. Trong khi bộ phận này bị khai thác một cách bất hợp lý, thì phần còn lại bị tự động loại trừ ra khỏi quá trình sản xuất. Vì thế mà số hàng hóa tiêu thụ và lợi nhuận bị giảm đi. Các doanh nghiệp đi đến phá sản về tài chính. Sự gia tăng mới của nạn thất nghiệp xảy ra theo và làm giảm sút lòng tin vào các doanh nghiệp và do vậy cũng làm giảm đi sự tham gia của công chúng vào các ngân hàng có vai trò trung gian, cuối cùng dẫn đến sự đánh mất khả năng thanh toán của các ngân hàng vì bị rút tiền gửi đột ngột và như thế dẫn tới sự đình trệ hoàn toàn của nền kinh tế.

Người ta cũng tìm kiếm các nguyên nhân khác để lý giải cuộc khủng hoảng mà sau đây chúng tôi muốn đưa ra:

Sản xuất thừa: ở đây người ta cần phải phân biệt hai sự việc, cụ thể là giữa sản xuất thừa thực và sản xuất thừa ảo. Tôi hiểu sản xuất thừa thực là một nền sản xuất cao tới mức nó vượt quá cầu. Điều này có lẽ đúng với công nghiệp sản xuất ô tô và lúa mì hiện nay ở Mỹ, mặc dù điều này vẫn còn đáng ngờ. Thông thường, người ta coi “sản xuất thừa” là tình trạng, trong đó một loại hàng hóa nào đó được sản xuất nhiều hơn là số có thể được bán ra trong các hoàn cảnh nhất định, mặc dù những người tiêu dùng vẫn không có đủ các mặt hàng tiêu dùng. Tôi gọi tình trạng ấy là nền sản xuất thừa “ảo”. Trong trường hợp này không phải thiếu cầu, mà là thiếu sức mua của người tiêu dùng. Nền sản xuất thừa ảo như thế chỉ là một cách diễn đạt khác cho cuộc khủng hoảng và do vậy không thể dùng để lý giải cho cuộc khủng hoảng này được: Người ta chỉ vận dụng những lý do ảo, khi người ta muốn quy trách nhiệm cho nền sản xuất thừa đối với cuộc khủng hoảng hiện nay mà thôi.

Bồi thường chiến tranh: Nghĩa vụ phải thanh toán tiền bồi thường chiến tranh đè nặng lên các nước mắc nợ và nền kinh tế của họ. Nó ép buộc các nước này phải xuất khẩu- phá giá và qua đó gây ra thiệt hại cho cả các nước chủ nợ. Điều đó là không thể chối cãi được. Song sự xuất hiện khủng hoảng trong nước Mỹ được bảo vệ bởi hàng rào thuế quan, chỉ ra rằng, điều này không thể là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng thế giới. Cả sự khan hiếm vàng ở các nước mắc nợ do tác động của khoản bồi thường chiến tranh, cùng lắm cũng chỉ là một lý lẽ để hủy bỏ các chi trả ấy, chứ không thể được coi là lời giải thích cho cuộc khủng hoảng thế giới.

Việc thiết lập nhiều hàng rào thuế quan mới: sự gia tăng gánh nặng vũ trang không sinh lợi; sự bất an chính trị do nguy cơ chiến tranh tiềm tàng: tất cả những điều đó làm cho vị thế của châu Âu trở nên hết sức tồi tệ, khi không có sự can dự thực sự của nước Mỹ. Sự xuất hiện cuộc khủng hoảng tại Mỹ cho thấy rằng, điều này không thể là nguyên nhân quan trọng nhất gây khủng hoảng.

Sự sa sút của các cường quốc Trung Quốc và Nga: tổn thất này của nền kinh tế thế giới cũng không bộc lộ mạnh mẽ tại Mỹ, do vậy cũng không thể là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng.

Sự phát đạt về kinh tế của các tầng lớp dưới từ khi có chiến tranh: sự phát đạt này chỉ có thể - nếu nó thực sự tồn tại - sinh ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, chứ không thể sinh ra tình trạng cung vượt quá cầu về hàng hóa được.

Tôi không muốn làm cho bạn đọc mệt mỏi khi tiếp tục liệt kê ra các lý lẽ nữa, các lý lẽ mà theo tôi không thể hiện bản chất của sự việc. Tôi chắc rằng, chính tiến bộ kỹ thuật được đưa ra nhằm giảm đi cho con người phần lớn gánh nặng lao động cần thiết cho sự bảo tồn của họ, là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bần cùng hiện nay. Bởi vậy, có những người một cách hoàn toàn nghiêm túc muốn cấm đoán sự áp dụng những cải tiến kỹ thuật! Điều đó hiển nhiên là vô lý. Vậy chúng ta có thể tìm ra được giải pháp hợp lý hơn để thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy như thế nào?

Giả sử người ta thành công, bằng một con đường nào đó để ngăn chặn tình trạng sức mua của dân chúng giảm đi dưới mức tối thiểu nhất định (được đo trong giá trị hàng hóa), thì người ta cũng không thể chấm dứt sự đình trệ như vậy của chu trình kinh tế, như chúng ta đã trải nghiệm hiện nay.

Phương pháp logic đơn giản nhất, song cũng đồng thời mạo hiểm nhất nhằm đạt tới tình trạng ấy, là nền kinh tế hoàn toàn có kế hoạch, nền sản xuất và phân phối các vật phẩm tiêu dùng thiết yếu nhất đối với cuộc sống thông qua cộng đồng. Đó là điều mà hiện nay về căn bản nước Nga đang thử nghiệm. Rất nhiều thứ phụ thuộc vào những kết quả mà cuộc thử nghiệm vĩ đại này mang lại. Mong muốn đưa ra những lời tiên tri ở đây có lẽ là quá tự tin. Vậy trong một hệ thống như thế, có thể tồn tại một nền sản xuất hàng hóa có tính chất kinh tế, giống như trong một hệ thống cho phép các cá nhân có được nhiều quyền chủ động hơn hay không? Hệ thống ấy nhìn chung có thể được duy trì mà không có sự khủng bố được sử dụng cho tới nay, sự khủng bố mà không một ai trong chúng ta, những người hướng về “phương Tây” muốn chịu đựng hay không? Một hệ thống kinh tế cứng đờ và tập trung hóa như thế có thiên về việc đóng kín cửa trước những đổi mới có lợi và thiên về nền kinh tế bảo hộ hay không? Song người ta cần phải tránh việc biến những thắc mắc như vậy trở thành định kiến làm cản trở việc đưa ra một nhận xét khách quan.

Riêng tôi cho rằng, nói chung những phương pháp như vậy cần được ưu tiên, khi chúng tôn trọng các truyền thống và các tập tục, khi điều này có thể dung hòa được với mục tiêu trước mắt nào đó. Nhưng tôi lại cho rằng, sự chuyển giao nhanh chóng quyền lãnh đạo sản xuất cho “bàn tay công cộng” vì quyền lợi của sản xuất hàng hóa là không có lợi; sáng kiến cá nhân cần có được không gian hoạt động, chừng nào bản thân nó dưới hình thức của các liên minh kinh tế, không bị loại bỏ.

Nhưng chắc chắn trong cả hai mối quan hệ, các hạn chế của nền kinh tế tự do là cần thiết: Thông qua các điều luật đối với các ngành sản xuất riêng biệt, cần phải rút ngắn thời gian lao động trong tuần xuống, sao cho nhờ đó nạn thất nghiệp được khắc phục một cách có hệ thống. Cần phải sử dụng định mức lương tối thiểu để làm sao cho sức mua của người làm công ăn lương tương ứng được với nền sản xuất.

Ngoài ra, trong các khu vực sản xuất, nơi người ta đã đạt được tính chất độc quyền nhờ sự tổ chức của người sản xuất, nhà nước cần phải kiểm soát sự định giá, nhằm duy trì sự tạo vốn trong các giới hạn hợp lý và ngăn cản nguy cơ làm giảm một cách giả tạo quá trình sản xuất và tiêu dùng.

Như vậy, họa chăng mới có thể có được trạng thái thăng bằng giữa sản xuất và tiêu dùng mà không gây ra những hạn chế quá lớn cho sáng kiến tự do, và đồng thời loại bỏ được ưu thế quá mức của người có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc) so với những người làm công ăn lương trong nghĩa rộng.

Các triệu chứng bệnh hoạn của đời sống văn hóa


Sự giao lưu tự do về tư tưởng và về các kết quả là cần thiết đối với sự phát triển lành mạnh của khoa học cũng như của đời sống văn hóa nói chung. Theo tôi, không thể nghi ngờ một thực tế là: việc can thiệp của cấp có thẩm quyền chính trị nước này vào sự giao lưu tự do về mặt tri thức giữa các cá nhân đã gây ra những tổn thất to lớn.

Trước tiên, tổn hại đó tác động kéo dài đối với năng lực khoa học thực sự; sau một thời gian, nó sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến toàn bộ các ngành sản xuất.

Hơn nữa, chúng ta thấy rõ được những can thiệp của cấp có thẩm quyền chính trị vào đời sống khoa học của quốc gia thông qua việc từ chối những chuyến đi nước ngoài của các học giả trong nước và những chuyến đi của các học giả nước ngoài tới Hoa Kỳ. Cách hành xử nhỏ nhen như thế của một cường quốc chỉ là cái triệu chứng bên ngoài của một căn bệnh trầm kha đáng sợ hơn.

Nhưng, sự can thiệp vào việc tự do công bố các kết quả khoa học bằng lời và văn bản, cách hành xử thiếu tin cậy của nhà nước dựa trên một tổ chức cảnh sát khổng lồ để chống lại cá nhân về phương diện chính trị, nỗi sợ hãi của mỗi người khi luôn phải lẩn tránh mọi điều có thể dẫn đến ngờ vực và qua đó có thể đe doạ đến sự tồn tại kinh tế của họ - tất cả những điều ấy bao giờ cũng chỉ là các triệu chứng đơn thuần, kể cả khi các triệu chứng như vậy thể hiện tính chất nguy hiểm của căn bệnh này một cách rõ ràng hơn.

Nhưng theo tôi, căn bệnh thực sự lại chính ở quan niệm được tạo ra bởi các cuộc chiến tranh thế giới, chi phối mọi điều trong tư tưởng: Trong hòa bình, chúng ta phải xây dựng toàn bộ cuộc sống của mình, kể cả đối với hoạt động của mình, sao cho trong trường hợp có chiến tranh, chúng ta nhất định là người chiến thắng.

Quan niệm đó dẫn đến quan niệm thứ hai: Người ta đang bị đe dọa bởi những kẻ thù hùng mạnh. Đó là sự đe dọa đối với tự do và thậm chí đối với sự tồn tại của mình.

Quan niệm đó lý giải tất cả những sự việc đáng ghê tởm mà ở trên chúng tôi đã gọi là các triệu chứng. Nếu như chúng không được khắc phục, thì tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh và do vậy dẫn tới sự huỷ diệt tất cả. Quan niệm này được biểu lộ chủ yếu qua ngân sách của Hoa Kỳ.

Chỉ khi nào chúng ta khắc phục được tình trạng cưỡng bức tư tưởng ấy, thì chúng ta mới có thể quay sang đề cập một cách hợp lý đến vấn đề chính trị thực sự: Chúng ta có thể góp phần như thế nào vào việc bảo vệ và cải thiện sự tồn tại của con người trên trái đất đã trở nên bé nhỏ này?

Tại sao việc đó lại là tất cả? Bởi vì chúng ta sẽ không thể thoát khỏi được các triệu chứng này hay các triệu chứng khác của căn bệnh, nếu chúng ta không thanh toán được căn bệnh thực sự.

Văn hóa và phồn thịnh


Nếu người ta muốn đo lường thiệt hại do những thảm họa chính trị lớn trong sự phát triển văn hoá của con người mang lại, thì người ta cần phải nhớ rằng, văn hóa tựa như là một loài thảo mộc tinh tế luôn gắn kết với các điều kiện phức tạp.

Loài thảo mộc này chỉ có thể phát triển ở một số ít địa điểm mà thôi. Để có thể phát triển, trước hết, nền văn hóa đòi hỏi một sự sung túc nhất định, tạo điều kiện cho một bộ phận dân chúng của một nước nào đó có thể hoạt động trong những lĩnh vực không trực tiếp cần thiết cho việc duy trì cuộc sống.

Thêm vào đó, cần phải có truyền thống đạo đức về sự quý trọng những phúc lợi và thành tựu văn hóa, nhờ vào đó mà tầng lớp ấy mới có thể đem đến khả năng sống cho các tầng lớp khác đang lao động vì những nhu cầu trực tiếp của cuộc sống.

Trong các thế kỷ vừa qua, nước Đức thuộc về những quốc gia thực hiện được cả hai điều kiện ấy. Nhìn chung sự phồn thịnh còn khiêm tốn, nhưng vẫn đủ, còn truyền thống tôn trọng phúc lợi văn hóa cũng mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, dân tộc này đã tạo ra những giá trị văn hóa không thể bỏ qua đối với sự phát triển hiện đại. Nói chung, ở đây truyền thống vẫn còn nguyên vẹn, còn sự phồn thịnh thì bị lung lay. Người ta đã lấy đi phần lớn những nguồn nguyên liệu để phục vụ cho nền công nghiệp của đất nước, mà trên cơ sở của nó bộ phận dân cư lao động công nghiệp mới xuất hiện. Phần dư thừa thiết yếu cho việc đảm bảo cuộc sống của những người đang tạo ra những giá trị tinh thần, bỗng nhiên bị thiếu hụt. Trong điều kiện tồn tại như vậy, truyền thống cũng phải suy vong và một trong những vườn ươm màu mỡ của văn hóa cũng trở nên hoang tàn.

Khi đánh giá cao những phúc lợi tinh thần, nhân loại rất quan tâm đến việc ngăn chặn tình trạng bần cùng hóa như vậy. Nhân loại sẽ khắc phục những yếu tố gây ra sự bần cùng tạm thời và sẽ thức tỉnh tình đoàn kết cao cả đã bị thói ích kỷ dân tộc đẩy lùi. Đối với tình đoàn kết ấy, những giá trị con người được thực hiện, không phụ thuộc vào chính trị và biên giới quốc gia nữa. Khi đó, nhân loại sẽ bảo đảm cho mỗi dân tộc những điều kiện lao động mà trên cơ sở ấy mỗi dân tộc mới có thể tồn tại và tạo ra các giá trị văn hóa.

Việc hợp tác trí tuệ


Năm nay, các nhà chính trị có ảnh hưởng hàng đầu của châu Âu lần đầu tiên đã rút ra các kết luận từ việc nhận thức rằng, phần đất của chúng ta chỉ có thể lại phát triển thịnh vượng, nếu chấm dứt được cuộc đấu tranh ngấm ngầm chống lại nhau giữa các quốc gia truyền thống.

Tổ chức chính trị châu Âu cần phải được củng cố để dần dần loại bỏ các biên giới hải quan đang gây kìm hãm.

Mục tiêu lớn lao này không thể đạt được nếu chỉ thông qua các hiệp định giữa các quốc gia. Mục tiêu này đòi hỏi trước hết cả sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Chúng ta phải hướng đến chỗ dần dần đánh thức tình cảm đoàn kết trong con người, một thứ tình cảm mà cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Khi cân nhắc về điều này, Hội Quốc Liên đã cho ra đời “Ủy ban Hợp tác Trí tuệ” (“Commision de coopération intellectuelle”). Ủy ban này cần phải là một định chế tuyệt đối có tính quốc tế, hoàn toàn tách rời chính trị, có nhiệm vụ tạo ra một mối liên kết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần giữa các vùng văn hóa dân tộc bị biệt lập bởi chiến tranh. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, bởi vì - rất tiếc khi phải nói như vậy - ít nhất trong các nước mà tôi được biết rõ, các học giả và các văn nghệ sĩ lại bị ảnh hưởng nhiều bởi các khuynh hướng dân tộc hẹp hòi hơn là những người hoạt động thực tiễn.

Cho đến nay, ủy ban này họp hai lần trong một năm. Để thực hiện hoạt động của mình hiệu quả hơn, chính phủ Pháp đã quyết định thiết lập và duy trì một Viện Hợp tác Trí tuệ hoạt động thường xuyên. Viện này sẽ được khánh thành trong vài ngày tới. Đó là cử chỉ hào hiệp của nước Pháp, xứng đáng nhận được lời cảm ơn của tất cả mọi người.

Nếu chỉ tung hô và ca ngợi hoặc làm thinh về những gì mình chưa hài lòng hay không tán thành, thì thật là một việc làm dễ dàng và còn được cám ơn nữa. Nhưng, chỉ với sự thành thực, việc triển khai các nhiệm vụ của chúng ta mới được khích lệ. Vì vậy, khi chúc mừng sự thành lập của Viện này, tôi không e ngại đưa ra sự bình phẩm của mình:

Hàng ngày, tôi đều có cơ hội quan sát và nhận ra rằng, trở ngại lớn nhất mà hoạt động của ủy ban của chúng ta gặp phải, đó là tình trạng thiếu tin cậy vào tính khách quan chính trị của ủy ban này. Cần phải làm mọi điều để củng cố lòng tin cậy; và không nên làm những điều có thể gây tổn hại đến lòng tin cậy.

Nếu giờ đây, bằng kinh phí quốc gia, chính phủ Pháp thành lập và duy trì một Viện như là một cơ quan thường trực của ủy ban tại Paris với Viện trưởng là một người Pháp, thì điều này làm cho những người nhìn từ bên ngoài có ấn tượng rằng, ảnh hưởng của Pháp là nổi trội trong ủy ban. Ấn tượng ấy càng tăng thêm, khi cho đến nay, Chủ tịch của ủy ban cũng chính là người Pháp. Ấn tượng ấy vẫn tồn tại, mặc dù những nhân vật nói trên đều được tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đánh giá cao và có được cảm tình sâu sắc nhất.

Dixi et salvi animam meam . Tôi hy vọng một cách chân thành rằng, Viện mới thành lập sẽ thành công trong việc hỗ trợ các mục tiêu chung trong sự hợp tác thường xuyên với ủy ban và giành được sự tin cậy và sự thừa nhận của những người lao động trí óc ở tất cả các nước.

Đức và Pháp

Một sự hợp tác đầy tin cậy giữa Đức và Pháp chỉ có thể hình thành, khi đòi hỏi của Pháp về an ninh chống lại các cuộc tấn công quân sự được đáp ứng. Nếu Pháp đưa ra các yêu sách liên quan đến vấn đề này, thì một bước đi như thế chắc chắn bị tiếp nhận một cách tiêu cực ở Đức.

Tuy nhiên, dường như có thể hành động theo cách sau đây: Bản thân chính phủ Đức đề nghị với chính phủ Pháp cùng với mình đệ đơn lên Hội Quốc Liên. Hội Quốc Liên nên đề nghị tất cả các quốc gia thành viên đảm nhận các nghĩa vụ sau đây:

1) tuân thủ bất kỳ quyết định nào của Tòa án Trọng tài quốc tế;

2) bằng tất cả các phương tiện hỗ trợ về mặt kinh tế và quân sự của mình cùng với tất cả các quốc gia thành viên còn lại, tiến hành các biện pháp chống lại quốc gia nào phá hoại hòa bình hoặc không tuân theo quyết định quốc tế được đưa ra vì lợi ích của hòa bình thế giới.

Bàn về các nhóm thiểu số

Dường như có một thực trạng chung là các nhóm thiểu số bị các nhóm đa số xem như những nhóm người có giá trị thấp kém sống cùng, đặc biệt khi các thành viên của các nhóm thiểu số này có thể được nhận ra nhờ các đặc điểm về thể chất.

Bi kịch như thế của số phận không chỉ ở sự phân biệt đối xử theo bản năng đối với các nhóm này về quan hệ kinh tế và xã hội, mà còn ở chỗ, do những ảnh hưởng kích động của đa số, những người bị liên lụy bởi cách đối xử như vậy, phần lớn trở thành nạn nhân của các nhận định thành kiến và tự coi mình là thấp kém về giá trị. Vế thứ hai, vế lớn hơn trong điều bất hạnh này có thể bị loại trừ nhờ sự đoàn kết và nhờ sự giáo huấn có ý thức cho nhóm thiểu số và bằng cách đó có thể đạt được sự giải phóng về mặt tinh thần cho nhóm thiểu số.

Nỗ lực có ý thức của những người Mỹ da đen theo hướng này xứng đáng được thừa nhận và khích lệ.

Quốc tế khoa học


Trong chiến tranh, khi sự mù quáng về mặt dân tộc và về mặt chính trị đã đạt đến đỉnh cao của nó, trong một phiên họp của Viện Hàn lâm, Emil Fischer đã nhấn mạnh: “Thưa các ngài! Các ngài chẳng thể làm gì được cả. Khoa học có và sẽ còn có tính quốc tế.”

Những người vĩ đại trong số các nhà nghiên cứu đã luôn biết rõ và cảm nhận được điều này một cách nhiệt thành, cho dù trong những thời kỳ có những rắc rối chính trị, họ bị cô lập trước các đồng nghiệp có tầm cỡ nhỏ hơn của mình.

Trong cuộc chiến tranh vừa qua, phần lớn những người có quyền bỏ phiếu trong tất cả các phe phái đã phản bội giá trị thiêng liêng đã được giao phó cho họ. Liên đoàn Quốc tế của các viện hàn lâm đã bị giải tán. Các đại hội đã và vẫn đang được tổ chức nhưng lại loại trừ các chuyên gia từ các nước thù địch trước kia. Những tính toán chính trị được đưa ra với vẻ quan trọng đang ngăn cản sự thống trị độc tôn của những khía cạnh thuần túy chuyên môn vì sự phát triển thịnh vượng cho những mục tiêu lớn.

Những người có thiện chí, những kẻ không chịu khuất phục trước những tranh cãi đầy cảm tính, nhất thời, phải làm gì để giành lại những gì đã mất? Người ta vẫn chưa thể tổ chức được những hội nghị có quy mô lớn, thực sự có tính quốc tế, khi phần lớn những người lao động trí óc vẫn đang còn ở tình trạng đầy kích động như thế. Sự phản kháng về mặt tâm lý chống lại sự phục hồi những nhóm làm việc chung về khoa học có tính quốc tế vẫn còn quá mạnh khiến một thiểu số những người có những quan điểm và tình cảm rộng lớn hơn khó có thể vượt qua được. Những người này có thể đóng góp vào những mục tiêu lớn là làm lành mạnh các hiệp hội quốc tế, bằng cách duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với những người cùng chí hướng và trong phạm vi ảnh hưởng của mình kiên trì bảo vệ những lợi ích quốc tế chung. Thành công một cách tổng thể thì còn phải chờ, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội này, mà không muốn nhấn mạnh một cách tự hào rằng, trong suốt những năm gian khổ này, mong muốn duy trì cộng đồng lao động trí óc vẫn còn sống động, đặc biệt trong một số lượng lớn các đồng nghiệp chuyên môn người Anh. Ở đâu cũng vậy, những phát biểu chính thức bao giờ cũng tệ hơn là tình cảm trong nội tâm của mỗi con người. Những người có thiện ý nên ghi nhớ đều này và đừng nên tức giận hay để mình bị nhầm lẫn: “senatores boni viri, senatus autem bestia" .

Nếu tôi hoàn toàn lạc quan về tiến bộ của tổ chức quốc tế nói chung, thì điều này phụ thuộc nhiều vào vào sức ép gay gắt của sự phát triển kinh tế, hơn là vào lòng tin ở sự sáng suốt và cao thượng của chính kiến. Bởi vì sự phát triển kinh tế phụ thuộc rất lớn vào lao động trí óc của các nhà khoa học có tư tưởng khá chậm tiến, nên chính những người này dù miễn cưỡng, cũng góp sức vào việc tạo dựng tổ chức quốc tế.

Bàn về tòa án trọng tài

Việc giải trừ quân bị một cách có kế hoạch trong khoảng thời gian ngắn chỉ khả thi, nếu có được một sự đảm bảo an ninh của tất cả các nước dành cho mỗi nước. Điều này dựa trên cơ sở một Tòa án Trọng tài thường trực và độc lập với các chính phủ.

Nghĩa vụ vô điều kiện của các quốc gia không chỉ là ở chỗ chấp nhận các phán quyết của Tòa án Trọng tài, mà còn ở chỗ thi hành các phán quyết đó.

Mỗi khu vực như châu Âu – châu Phi, châu Mỹ và châu Á, có một tòa án trọng tài đặc biệt phụ trách; còn châu Úc có thể được phân bổ về một trong ba khu vực này. Tòa án Trọng tài chung sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến các sự việc không thể được giải quyết trong khuôn khổ ba khu vực trên.

Nước Mỹ và hội nghị giải trừ quân bị năm 1932

Người Mỹ ngày nay đang trăn trở với bao nỗi lo lắng. Những nỗi lo ấy gắn liền với tình trạng kinh tế của nước này. Những nhà lãnh đạo có ý thức trách nhiệm tập trung chủ yếu vào việc loại bỏ nạn thất nghiệp nặng nề ở nước mình. Tình cảm gắn bó với số phận của thế giới còn lại, đặc biệt với đất mẹ châu Âu càng ít sôi động hơn so với những thời điểm bình thường.

Nhưng nền kinh tế tự do sẽ không tự động vượt qua được những khó khăn này. Cần phải có những kế sách điều tiết từ giác độ tổng thể, để tạo ra được một sự phân công lao động và một sự phân phối lành mạnh đối với các sản phẩm tiêu dùng giữa con người với nhau, vì nếu không có điều ấy, nhân dân của một nước giàu có nhất cũng sẽ bị ngạt thở. Việc cải thiện các biện pháp kỹ thuật làm suy giảm chính lao động cần thiết sản xuất hàng hóa cho tất cả mọi người, vì thế thông qua cuộc chơi tự do của các thế lực, không còn xuất hiện tình trạng, trong đó tất cả các lực lượng lao động đều được sử dụng. Một quy chế tổ chức có ý thức sẽ là cần thiết nhằm làm cho các tiến bộ về mặt kỹ thuật trở nên có hiệu quả có lợi cho tất cả mọi người.

Thiếu quy định về mặt kế hoạch, nền kinh tế không thể được đưa vào quy củ. Cũng như vậy, một quy định về mặt kế hoạch như vậy càng cần thiết hơn nhiều đối với các vấn đề chính trị quốc tế. Hiện nay chỉ còn có một số ít người còn quan niệm rằng, các hành động bạo lực dưới dạng chiến tranh là một phương tiện có lợi thế và xứng đáng với nhân loại để giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhưng họ lại chưa kiên quyết đại diện và thực hiện một cách tích cực các kế sách này, các kế sách có khả năng tránh được các cuộc chiến tranh, tránh được những hành động dã man và vô nhân tính, những tàn dư của các thời đại man rợ. Cần phải có quan điểm thống nhất để thấy rõ và phải có dũng khí nào đó để phục vụ mục tiêu quan trọng này một cách hiệu quả và với quyết tâm cao.

Ai thực sự mong muốn dẹp bỏ chiến tranh, người đó phải quyết tâm đấu tranh sao cho quốc gia của mình khước từ một phần chủ quyền của mình có lợi cho các thiết chế quốc tế. Người đó phải sẵn sàng, trong trường hợp xung đột, buộc quốc gia mình phải tuân thủ phán quyết của Trọng tài Quốc tế. Người đó phải kiên quyết đấu tranh để tất cả các quốc gia thực hiện giải trừ quân bị, kể cả trong trường hợp xấu như được dự tính trong Hiệp ước Versailles. Không thể trông đợi tiến bộ xã hội, nếu không loại bỏ nền giáo dục toàn dân về quốc phòng và về chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến.

Đối với các quốc gia văn minh có nhiều ảnh hưởng, không có sự kiện nào trong những năm qua lại đáng hổ thẹn hơn là thất bại của các hội nghị giải trừ quân bị trước đây; bởi vì thất bại này không chỉ là do những âm mưu thâm độc của các vị nguyên thủ quốc gia vô lương tâm và hiếu thắng, mà còn là do sự thờ ơ và sự thiếu nghị lực của con người ở tất cả các nước. Nếu điều này không khác đi, thì chúng ta sẽ tàn phá những gì thực sự quý giá mà tổ tiên chúng ta đã tạo ra được.

Tôi cho rằng, nhân dân Mỹ cũng không ý thức được đầy đủ trách nhiệm đè nặng lên vai họ trong mối quan hệ này. Ở Mỹ, người ta nghĩ như sau: “Châu Âu có thể bị suy vong, nếu nó bị hủy hoại bởi sự thiếu hòa đồng và tính thâm hiểm của dân chúng ở đây. Mầm sống của tổng thống Wilson đã đâm chồi lên một cách thảm hại trên miếng đất cằn cỗi của châu Âu. Chúng ta thì mạnh mẽ và chắc chắn, và chúng ta sẽ không vội vàng can thiệp vào những công việc khó chịu của người khác.”

Kẻ nào nghĩ như thế, kẻ đó vừa không cao thượng lại vừa không biết nhìn xa trông rộng. Nước Mỹ không phải là vô can trong nỗi khốn khó của châu Âu. Bằng việc rút lại một cách tàn nhẫn các khoản tiền cho vay, nước Mỹ đã thúc đẩy sự suy thoái về mặt kinh tế và đồng thời cả sự suy đồi về mặt đạo đức của châu Âu. Nước Mỹ đã góp phần vào việc ban căng hóa châu Âu và như vậy là đồng phạm trong sự suy đồi của đạo đức chính trị và trong việc làm gia tăng lòng hận thù được nuôi dưỡng bởi sự tuyệt vọng. Lòng hận thù ấy đã không dừng lại trước cửa ngõ nước Mỹ. Các quý vị hãy thử nhìn trước, nhìn sau mà xem!

Không cần phải nhiều lời: Hội nghị Giải trừ quân bị có nghĩa là một cơ hội cuối cùng không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với các quý vị, nhằm đảm bảo những gì tốt đẹp nhất mà nhân loại văn minh đã tạo ra. Những ánh mắt và hy vọng đang trông đợi ở các quý vị với tư cách là những người cường tráng và tương đối khỏe mạnh.

Bàn về hội nghị giải trừ quân bị năm 1932

1. Liệu tôi có được phép bắt đầu bằng một tín niệm chính trị? Đó là: Nhà nước tồn tại vì con người, chứ không phải con người tồn tại vì nhà nước. Người ta cũng có thể nói về khoa học cũng tương tự như đã nói như thế về nhà nước. Đó là những công thức cũ. Những công thức này được khắc ghi bởi những ai xem nhân cách con người như một giá trị cao quý nhất có tính người.

Tôi rất ngại phải lặp lại những công thức này, khi chúng có nguy cơ đôi khi bị rơi vào sự quên lãng, nhất là trong thời đại đầy những tổ chức và khuôn mẫu như thời đại chúng ta. Tôi thấy nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của nhà nước là bảo vệ cá nhân và tạo cho cá nhân khả năng phát triển thành nhân cách sáng tạo.

Như vậy, nhà nước cần phải là người đầy tớ của chúng ta, chứ không phải chúng ta là nô lệ của nhà nước. Nhà nước vi phạm đòi hỏi này, khi nó dùng bạo lực để ép buộc chúng ta phải phục vụ quân đội và chiến tranh, đặc biệt là khi sự phục vụ nô lệ này hướng đến mục tiêu và kết quả tàn sát những người dân nước khác hoặc gây tổn hại cho sự tự do phát triển của họ. Chúng ta chỉ nên dành cho nhà nước những hy sinh mang lại kết quả tốt đẹp cho sự phát triển tự do của các cá nhân. Những điều quý báu này có thể là hiển nhiên đối với mỗi người Mỹ, chứ không phải đối với mỗi người châu Âu. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng, cuộc vận động chống chiến tranh sẽ có một chỗ dựa vững chắc ở người Mỹ.

Nhưng bây giờ, xin trở về với Hội nghị Giải trừ Quân bị! Người ta nên cười, nên khóc hay nên hy vọng, khi nghĩ đến nó? Quý vị hãy thử tưởng tượng một thành phố có toàn là những công dân cáu bẳn, dối trá và hay thích gây gổ! Ở đó, người ta cảm nhận được mối nguy cơ thường trực đe dọa cuộc sống như là trở ngại lớn cho mọi sự phát triển lành mạnh. Tòa thị chính muốn khắc phục tình trạng ghê tởm ấy, mặc dù mỗi thành viên trong các hội đồng thành phố lẫn mỗi người dân đều không muốn bị cấm mang dao găm bên thắt lưng. Sau nhiều năm chuẩn bị, Tòa thị chính quyết định mang vấn đề ra bàn và đưa ra đề tài thảo luận: Con dao găm mà mỗi người mang theo ở thắt lưng khi đi dạo chơi, được phép dài và sắc như thế nào? Chừng nào những người dân ranh mãnh này không đứng ra chống lại hiện tượng đâm chém nhau bằng luật pháp, tòa án và cảnh sát, thì tất nhiên sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Một sự ấn định về chiều dài và độ sắc của các con dao găm được mang sẽ chỉ có lợi cho cho những kẻ thích hành hung và những kẻ mạnh nhất, và chỉ là sự phó mặc những người yếu hơn cho chúng. Tất cả các quý vị đều biết rằng, sự so sánh này ám chỉ điều gì. Chúng ta hiện đang có Hội Quốc Liên và một Tòa án Trọng tài. Nhưng Hội Quốc Liên thì lại chẳng hơn gì một phòng họp và Tòa án Trọng tài cũng lại không có phương tiện để thực thi các quyết định của mình. Các cơ quan này không đảm bảo an ninh được cho bất cứ quốc gia nào trong trường hợp bị tấn công. Nếu quý vị xem xét kỹ điều này, thì đối với quan điểm của Pháp về việc từ chối giải trừ quân bị trong trường hợp không có an ninh, ắt hẳn quý vị sẽ phê phán một cách nhẹ nhàng hơn là so với những gì đang thường diễn ra hiện nay.

Nếu chúng ta không biết hạn chế chủ quyền của các quốc gia riêng lẻ bằng cách buộc mọi quốc gia phải có nghĩa vụ thực hiện hành động chung chống lại những quốc gia công khai hay giấu giếm đi ngược lại với phán quyết của Tòa án Trọng tài này, thì chúng ta không thể thoát ra khỏi tình trạng lộn xộn và những hiểm họa nói chung. Chủ quyền không bị hạn chế của từng quốc gia và an ninh chống lại các cuộc tấn công không thể được hợp nhất bởi các mánh khóe. Có cần phải chờ đến các thảm họa mới nữa để rồi mới buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ thực thi các quyết định của cơ quan tòa án quốc tế đã được công nhận hay không? Từ thực trạng hiện nay, chúng ta chẳng có lý do gì để trông chờ điều gì tốt đẹp hơn trong tương lai gần. Nhưng bất cứ ai là người bạn thân thiện với nền văn minh và với sự công bằng phải dốc toàn bộ khả năng tốt nhất của mình để thuyết phục đồng loại của mình về sự cần thiết của sự liên kết quốc tế như vậy giữa các quốc gia riêng rẽ.

Người ta không phải không có lý do chính đáng để phản bác lại quan niệm này khi cho rằng nó quá coi trọng yếu tố tổ chức và xem thường yếu tố tâm lý, đặc biệt là yếu tố đạo đức. Lý lẽ ấy khẳng định rằng, giải trừ quân bị về mặt tinh thần phải đi trước giải trừ quân bị về mặt vật chất. Cũng nên hiểu một cách rõ ràng rằng, trở ngại lớn nhất của trật tự quốc tế chính là chủ nghĩa dân tộc đã được tăng cường thành một thứ quái đản, một kiểu chủ nghĩa dân tộc được gọi bằng một cái tên đầy cảm tình nhưng dễ bị lạm dụng là chủ nghĩa yêu nước. Trong một trăm năm mươi năm qua, thần tượng ấy đã đạt được một quyền lực khủng khiếp, cực kỳ tai hại. Để có được quan điểm đúng đắn về sự phản kháng đó, người ta phải nhận ra rằng, yếu tố tổ chức và yếu tố tâm lý quy định lẫn nhau. Các tổ chức không chỉ phụ thuộc vào các thái độ truyền thống mang màu sắc tình cảm mà nhờ đó chúng được hình thành và phát triển. Các tổ chức còn tác động mạnh mẽ ngược trở lại các thái độ dựa theo tình cảm này của các dân tộc.

Theo tôi, chủ nghĩa dân tộc - khi đã phát triển cao đến mức tai hại như thế ở khắp mọi nơi - có liên quan chặt chẽ nhất với việc đưa ra nghĩa vụ quân sự nói chung - hoặc với tên gọi ngọt ngào hơn - với việc thiết lập “quân đội nhân dân”. Khi đòi hỏi những người dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhà nước buộc phải phải nuôi dưỡng tình cảm của chủ nghĩa dân tộc ở những người dân này. Tình cảm ấy tạo cơ sở tâm lý cần thiết cho các mục đích sử dụng về mặt quân sự. Thế là bên cạnh tôn giáo, nhà nước lại phải ca ngợi công cụ bạo lực độc ác của mình trước giới trẻ trong học đường!

Vì vậy, theo quan niệm của tôi, việc đề ra nghĩa vụ quân sự nói chung là điều chủ yếu trong sự suy đồi đạo đức của chủng tộc da trắng. Sự suy đồi đạo đức đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của nền văn hóa của chúng ta, thậm chí về sự sinh tồn của chúng ta. Bên cạnh những điều tốt lành vĩ đại về mặt xã hội, sự kiện tồi tệ này đã xuất phát từ cuộc Đại cách mạng Pháp và sau đó trong một thời gian ngắn đã lôi kéo tất cả các dân tộc khác.

Những ai muốn bênh vực quan điểm quốc tế và chống lại chủ nghĩa dân tộc Sô vanh, thì phải đấu tranh chống quân dịch nói chung. Phải chăng đối với xã hội, các cuộc truy nã gay gắt hiện nhằm vào những người chống quân dịch vì động cơ đạo đức, là ít đáng hổ thẹn hơn những cuộc truy nã nhằm vào những người tử vì đạo trong các thế kỷ trước đây? Người ta có thể loại trừ chiến tranh, như đã làm trong Hiệp định Kellogg, được hay không, trong khi vẫn phó mặc các cá nhân không được bảo vệ cho bộ máy chiến tranh của các nước riêng lẻ?

Còn về Hội nghị Giải trừ quân bị, nếu người ta không muốn chỉ tự hạn chế ở yếu tố tổ chức-kỹ thuật, mà muốn cân nhắc cả đến yếu tố tâm lý một cách trực tiếp vì những động cơ giáo dục, thì người ta phải bằng con đường quốc tế tạo khả năng hợp pháp cho các cá nhân khước từ quân dịch. Không nghi ngờ gì nữa, một kế sách như thế có thể tạo ra tác động mạnh mẽ về mặt đạo đức.

Tôi tóm lược lại quan điểm của mình như sau: Những thỏa thuận thuần túy về hạn chế vũ trang không hề đảm bảo được an ninh. Tòa án Trọng tài theo quy định cần phải có quyền hành pháp được đảm bảo bởi tất cả các quốc gia thành viên tham gia. Đó là quyền hành pháp nhằm can thiệp bằng sự trừng phạt về kinh tế và quân sự chống lại những kẻ phá hoại hòa bình. Cần phải đấu tranh chống nghĩa vụ quân sự nói chung như một ổ dịch chủ yếu của chủ nghĩa dân tộc bệnh hoạn. Đặc biệt, những người chống quân dịch cần phải được bảo vệ trên cơ sở quốc tế.

2.

Những gì mà tinh thần sáng tạo của con người trong những thế kỷ vừa qua ban tặng cho chúng ta, đã có thể tạo ra một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc, giá như sự phát triển về mặt tổ chức có bước tiến đồng thời với sự phát triển về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, những gì đã đạt được một cách khó nhọc đang nằm trong tay thế hệ chúng ta, lại giống như lưỡi dao cạo trong tay đứa trẻ lên ba. Sở hữu về tư liệu sản xuất kỳ diệu không mang lại hòa bình, mà chỉ mang đến những lo âu và đói khổ.

Tiến bộ kỹ thuật đã gây những tác động tồi tệ nhất ở nơi mà nó cung cấp các phương tiện để hủy diệt cuộc sống con người và để phá hủy các công trình của con người được tạo ra bằng lao động vất vả. Chúng tôi là những người cao tuổi đã từng nếm trải những nỗi kinh hoàng trong chiến tranh thế giới. Tình trạng nô lệ đáng hổ thẹn, trong đó mỗi cá nhân phải chịu đựng từ cuộc chiến tranh, dường như đối với tôi còn khủng khiếp hơn cả hủy diệt. Chẳng đáng sợ sao, khi những hành động mà mỗi người coi là tội ác đáng ghê tởm, lại bị buộc phải tuân thủ cái chung? Chỉ có một số ít người là có được sự vĩ đại về đạo đức để phản kháng lại. Trong mắt tôi, họ là những vị anh hùng thực sự của cuộc chiến tranh thế giới.

Vẫn có một tia hy vọng. Tôi cảm tưởng rằng, ngày nay, những lãnh tụ có trách nhiệm của các dân tộc thực sự thành tâm mong muốn dẹp bỏ chiến tranh. Sự kháng cự chống lại quá trình phát triển tất yếu, vô điều kiện có cội rễ trong những truyền thống đầy bất hạnh của các dân tộc, những truyền thống được kéo theo bởi cơ chế giáo dục như một căn bệnh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân tố chủ yếu của các truyền thống này là việc đào tạo quân sự, là việc tôn vinh đào tạo quân sự và liên quan đến bộ phận truyền thông lệ thuộc vào công nghiệp nặng và quân đội. Nếu không giải trừ quân bị thì không thể có nền hòa bình bền vững. Ngược lại, việc duy trì các trang thiết bị quân sự ở quy mô hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến những thảm họa mới.

Do vậy, Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1932 là có tính quyết định đối với số phận của thế hệ hiện nay và thế hệ tiếp theo. Nếu người ta nghĩ đến các kết quả nghèo nàn của các hội nghị trước đây, thì người ta thấy rõ rằng, tất cả những người có trách nhiệm và khôn ngoan cần phải huy động mọi khả năng để luôn hướng dẫn công luận hiểu được tầm quan trọng to lớn của Hội nghị năm 1932. Chỉ khi các nguyên thủ quốc gia thể hiện được ý chí hòa bình của đa số những người có quyền quyết định trong nước mình, thì họ mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng của mình: Để tạo ra được công luận này, mỗi người phải cùng chịu trách nhiệm về mỗi lời nói và việc làm của mình.

Hội nghị có thể được coi là thất bại, nếu như những đại biểu đến tham dự với những lời huấn thị đã được chuẩn bị sẵn, và bây giờ việc thực hiện chúng chỉ trở thành một công việc giữ thể diện. Điều này dường như đều được mọi người thừa nhận. Bởi vì các cuộc gặp gỡ song phương của các nguyên thủ quốc gia hai nước được thực hiện trong thời gian vừa qua thông qua các cuộc tọa đàm về vấn đề giải trừ quân bị, đã được sử dụng để chuẩn bị cơ sở cho Hội nghị. Con đường này đối với tôi dường như là một con đường có cơ may, bởi vì hai người hoặc hai bên vun đắp cho các khả năng đàm phán với nhau sao cho hợp lý nhất, chân thành nhất và bình tĩnh nhất. Khi không có người thứ ba nghe được, thì họ không phải quá thận trọng trong lời nói của mình. Chỉ khi Hội nghị được chuẩn bị một cách sáng tạo theo cách này, khi những điều bất ngờ được loại trừ và khi một bầu không khí tin cậy được tạo nên bởi thiện ý chân thành, thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một kết quả tốt đẹp. Thành công của sự nghiệp vĩ đại này lại không phụ thuộc vào sự thông minh hay thậm chí vào sự khôn ngoan, mà phụ thuộc vào sự chân thành và sự tin cậy. Yếu tố đạo đức không thể bị thay thế bởi lý trí. Tôi muốn nói rằng, đó là điều diễm phúc.

Chỉ chờ đợi hay phê phán đơn thuần là điều không thích hợp với người đương thời. Người đương thời phải phục vụ cho sự nghiệp này bằng hết khả năng của mình. Số phận của tất cả mọi người là cái mà họ xứng đáng được hưởng.



No comments:

Post a Comment

Trang