được sưu tầm bởi HXK

đây chỉ là những thông tin về những người mà tôi cho rằng họ giỏi, tôi khâm phục họ, tìm hiểu họ qua cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm cũng như tư tưởng của họ để lại trên thế gian này. cho những con người của thời đại họ sống và cho hậu thế.

Thursday, July 1, 2010

trích cuốn thế giới như tôi thấy p3(Albert Einstein )

Diễn văn tại hội nghị sinh viên về giải trừ quân bị


Diễn văn này được đọc vào khoảng năm 1930 trước các sinh viên Đức.Trong một nền khoa học và kỹ thuật phát triển cao, các thế hệ gần đây đã trao cho chúng ta một món quà cực kỳ quý giá, món quà mang theo những khả năng giải phóng và làm đẹp cho cuộc sống của chúng ta mà không thế hệ nào trước đây được hưởng.

Tuy nhiên, món quà này cũng mang đến cả những mối nguy hiểm cho sự tồn tại của chúng ta, những mối nguy hiểm chưa bao giờ đe dọa trầm trọng đến như thế.

Hơn bao giờ hết, số phận của nhân loại văn minh phụ thuộc vào những lực lượng có đạo đức mà nó có thể tập hợp được. Vì vậy, nhiệm vụ được đặt ra cho thời đại chúng ta không dễ dàng hơn những nhiệm vụ mà các thế hệ trước đây đã giải quyết.

So với trước đây, nhu cầu của con người về thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể được đáp ứng chỉ bằng một chi phí nhỏ hơn nhiều về thời gian lao động. Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó, vấn đề phân công lao động và phân phối các sản phẩm làm ra cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. Tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng, cuộc chơi tự do của các thế lực kinh tế, khát vọng quyền lực, khát vọng sở hữu vô trật tự và không được kìm chế của các cá nhân không còn tự động dẫn đến một giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề đó. Cần phải có một thể chế có kế hoạch trong việc sản xuất hàng hóa, trong việc sử dụng sức lao động và phân phối các sản phẩm làm ra, để ngăn ngừa tình trạng lãng phí những lực lượng lao động quý giá, có trình độ cao, ngăn ngừa tình trạng bần cùng hóa và tình trạng khánh kiệt của bộ phận lớn dân cư.

Một khi “thói ích kỷ” vô hạn trong đời sống kinh tế đưa đến những hậu quả đồi bại, thì chính nó sẽ còn là kẻ dẫn đường tồi tệ hơn cho các quan hệ giữa các dân tộc với nhau. Sự phát triển của kỹ thuật quân sự chính là một kiểu phát triển, trong đó cuộc sống của con người là không thể chịu đựng nổi, khi chưa sớm tìm thấy con đường để ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Mục tiêu có tầm quan trọng đến như thế, nhưng những nỗ lực đã được thực hiện cho đến nay lại chưa đầy đủ.

Người ta tìm cách giảm nhẹ mối nguy hiểm đó bằng việc hạn chế vũ trang và thông qua các quy định hạn chế trong khi tiến hành chiến tranh. Chiến tranh không phải là một cuộc chơi tập thể, trong đó các bên tuân thủ một cách ngoan ngoãn luật chơi. Một khi liên quan đến sự sống còn, thì các quy định và nghĩa vụ của cuộc chơi trở nên bất lực! Chỉ có sự dẹp bỏ vô điều kiện mọi cuộc chiến tranh nói chung mới có thể cứu vãn được. Việc thiết lập một định chế trọng tài quốc tế là không đủ. Thông qua các hiệp ước phải tạo ra được sự đảm bảo rằng, các quyết định của cấp thẩm quyền này cùng được thực hiện bởi tất cả các quốc gia. Nếu không có sự đảm bảo chắc chắn đó, các quốc gia sẽ không bao giờ có đủ can đảm để giải trừ quân bị một cách nghiêm chỉnh.

Các bạn thử tưởng tượng xem, bằng cách đe dọa sẽ tẩy chay hàng hóa, chính phủ các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động chiến tranh chống lại Trung Quốc! Vậy, các bạn có tin rằng, ở Nhật Bản sẽ tìm ra được một chính phủ lại muốn đẩy đất nước mình vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm đến thế không? Tại sao điều này lại không xảy ra? Tại sao mỗi con người, mỗi quốc gia lại cứ run sợ cho sự tồn vong của mình? Bởi vì ai nấy đều đi tìm lợi thế thảm hại nhất thời của mình và không chịu bắt nó phục tùng lợi ích và sự phát triển của cộng đồng.

Vì vậy, như tôi đã nói với các bạn lúc đầu rằng, số phận của nhân loại ngày hôm nay phụ thuộc vào các lực lượng có đạo đức của mình nhiều hơn bao giờ hết. Ở đâu cũng vậy, khước từ và tự hạn chế là con đường dẫn tới cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

Các lực lượng ủng hộ cho một sự phát triển như vậy có thể đến từ đâu? Chỉ đến từ những người mà ngay từ trẻ đã có cơ hội tăng cường tinh thần và mở rộng tầm nhìn thông qua học tập và nghiên cứu. Chúng tôi, thế hệ đi trước trông đợi ở các bạn và hy vọng ở các bạn một điều là các bạn bằng những khả năng tốt nhất của mình sẽ hướng tới và sẽ đạt được những gì mà chúng tôi đã không làm nổi

Vấn đề của chủ nghĩa hòa bình


Thưa các quý bà, quý ông!


Tôi rất vui mừng là quý vị đã cho tôi cơ hội được nói đôi lời với quý vị về vấn đề của chủ nghĩa hòa bình. Sự tiến triển trong những năm qua đã một lần nữa cho thấy rằng, chúng ta hầu như không được phép giao phó cho các chính phủ cuộc đấu tranh chống lại các hoạt động chạy đua vũ trang và các quan điểm hiếu chiến.

Song ngay cả việc thành lập các tổ chức lớn gồm nhiều thành viên cũng chỉ giúp chúng ta phần nào trong việc tiếp cận đến mục tiêu này.

Theo quan điểm của tôi, ở đây, tốt nhất là thái độ khước từ quân dịch bằng cách phản đối, dựa vào sự hậu thuẫn của các tổ chức bênh vực cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người dũng cảm chống quân dịch ở từng nước. Như thế, chúng ta có thể đi đến chỗ làm cho vấn đề của chủ nghĩa hòa bình trở nên cấp thiết, trở thành một cuộc đấu tranh thực sự khiến cho cho cả những người có cá tính mạnh mẽ cảm thấy được lôi cuốn. Đây là một cuộc đấu tranh không hợp pháp, nhưng là cuộc đấu tranh vì quyền thực sự của con người chống lại chính phủ của họ, chừng nào các chính phủ này vẫn còn đòi hỏi các công dân của họ phải thực hiện những hành động tội ác.

Nhiều người coi mình là những người tích cực theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng lại không tham gia vào một chủ nghĩa hòa bình triệt để như vậy, bởi họ viện dẫn tới các lý do của chủ nghĩa yêu nước. Không thể trông mong gì ở những người này trong những giờ phút nguy nan. Cuộc chiến tranh thế giới đã chứng minh quá đủ cho điều ấy.

Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội được trình bày bằng miệng quan điểm của mình.


Hướng đến việc loại bỏ nguy cơ chiến tranh

Bài này được Einstein viết xong ngày 20.9.1952 và được đăng trên tạp chí Keizo, Nhật Bản, số mùa thu năm đó.Sự tham gia của tôi vào việc sản xuất bom nguyên tử là chỉ ở một hành động duy nhất: tôi đã ký vào bức thư gửi tổng thống Roosevelt trong đó đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các thí nghiệm ở quy mô lớn để nghiên cứu khả năng chế tạo một quả bom nguyên tử.

Tôi đã thực sự ý thức được mối nguy hiểm khủng khiếp cho nhân loại một khi việc này thành công. Chính sự phỏng đoán rằng, trong vấn đề này, người Đức có thể nghiên cứu với triển vọng thành công đã buộc tôi phải thực hiện bước đi này. Tôi đã không còn lựa chọn nào khác, dù tôi luôn là một người theo chủ nghĩa hòa bình một cách đầy tin tưởng. Tàn sát trong chiến tranh theo quan niệm của tôi chẳng có gì tốt đẹp hơn so với việc giết người thông thường.

Tuy vậy, chừng nào các quốc gia chưa kiên quyết loại bỏ chiến tranh thông qua các hành động chung và giải quyết các cuộc xung đột và bảo vệ những lợi ích của mình bằng các quyết định hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp, thì họ sẽ cảm thấy cần phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh. Rồi họ lại cảm thấy cần phải chuẩn bị tất cả các phương tiện, kể cả các phương tiện đáng kinh tởm nhất để không bị qua mặt trong cuộc chạy đua vũ trang nói chung. Con đường đó tất yếu dẫn đến chiến tranh. Trong các mối tương quan hiện nay, chiến tranh có nghĩa là sự hủy diệt tất cả.

Trong tình hình đó, việc dùng phương tiện để chống lại phương tiện không có triển vọng thành công. Chỉ có việc dẹp bỏ triệt để các cuộc chiến tranh và nguy cơ chiến tranh mới có thể giúp giải quyết vấn đề. Muốn vậy, cần phải hành động và quyết tâm không để cho mình bị ép buộc phải hành động đi ngược lại với mục tiêu này. Đây là một đòi hỏi khắt khe đối với cá nhân ý thức được tình trạng phụ thuộc xã hội của mình. Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là một đòi hỏi không thể thực hiện được.

Gandhi, bậc thiên tài chính trị vĩ đại nhất của thời đại chúng ta đã vạch ra con đường và cho thấy: con người sẽ có khả năng hy sinh lớn đến thế nào một khi họ đã nhận ra con đường đúng. Sự nghiệp giải phóng Ấn Độ của ông là một bằng chứng sinh động cho thấy: ý chí được xác tín một cách vững chắc còn mạnh hơn cả thế lực vật chất tưởng chừng như không thể vượt qua được.

hòa bình

Phần II: Chính trị và chủ nghĩa hòa bình


Những nhân vật thực sự lỗi lạc thuộc các thế hệ trước đây đã nhận ra tầm quan trọng của mục tiêu giữ gìn hòa bình thế giới.

Tuy vậy, sự phát triển của kỹ thuật trong thời đại chúng ta làm cho định đề đạo đức này trở thành một vấn đề sống còn đối với nhân loại hiện đã được văn minh hóa như ngày nay và khiến cho sự tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề hòa bình trở thành một vấn đề lương tâm mà không một người nào có ý thức về trách nhiệm luân lý có thể lảng tránh.

Cần làm rõ rằng, những tập đoàn đầy quyền lực của nền công nghiệp đã tham gia sản xuất vũ khí ở tất cả các nước đang đi ngược lại việc giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp quốc tế, rằng những nhà cầm quyền chỉ có thể đạt được mục tiêu quan trọng này, nếu như họ dám chắc có được sự ủng hộ tích cực của đa số dân chúng. Trong thời đại của hình thức chính quyền dân chủ hiện nay của chúng ta, số phận của các dân tộc phụ thuộc vào chính họ. Mỗi cá nhân cần phải luôn ghi nhớ điều này.

No comments:

Post a Comment

Trang