được sưu tầm bởi HXK

đây chỉ là những thông tin về những người mà tôi cho rằng họ giỏi, tôi khâm phục họ, tìm hiểu họ qua cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm cũng như tư tưởng của họ để lại trên thế gian này. cho những con người của thời đại họ sống và cho hậu thế.

Thursday, July 1, 2010

trích cuốn thế giới như tôi thấy p2(Albert Einstein )

Một lời chia tay


Thư gửi Ngài thư ký Đức của Hội Quốc Liên, Ngài Dufour – Feronce kính mến!


Bức thư đầy thân thiện của ngài không thể không được trả lời, bởi vì nếu không, ngài đã có thể nhận được một cách hiểu không chuẩn xác về chính kiến của tôi.

Việc tôi quyết định không đi Genève nữa dựa trên cơ sở thực tế sau đây: Kinh nghiệm tiếc thay đã mách bảo cho tôi rằng, Ủy ban trung gian đã không thể hiện được ý chí nghiêm túc trong việc đạt được các tiến bộ cơ bản trong các nhiệm vụ làm lành mạnh hóa các quan hệ quốc tế. Tôi chỉ thấy trong ủy ban này chủ yếu là sự hiện thân của nguyên tắc “ut aliquid fieri videatur” . Đối với tôi, ủy ban này thậm chí còn tồi tệ hơn cả Hội Quốc Liên xét một tổ chức tổng thể.

Tôi cho rằng, tôi phải rời bỏ ủy ban này, chính bởi vì tôi muốn hành động theo khả năng để tạo ra một thẩm quyền trọng tài quốc tế, hoạt động siêu quốc gia, và bởi vì mục tiêu này là mong muốn từ đáy lòng tôi.

Ủy ban này đã đồng ý cho phép việc áp bức các cộng đồng văn hóa thiểu số ở các quốc gia riêng lẻ bằng cách cho ra đời "Ủy ban Quốc gia" ở các nước này, tổ chức đóng vai trò cầu nối duy nhất giữa giới trí thức của nước này với ủy ban. Như vậy, ủy ban này đã cố tình chối bỏ chức năng là chỗ dựa tinh thần cho các sắc tộc thiểu số trong các quốc gia chống lại sự áp bức văn hóa.

Ngoài ra, đối với vấn đề đấu tranh chống lại các xu hướng Sô vanh và quân phiệt trong việc giảng dạy ở từng nước riêng biệt, ủy ban này còn chọn một thái độ thiếu kiên quyết khiến người ta khó có thể hy vọng gì về những nỗ lực nghiêm túc của uỷ ban trong lĩnh vực quan trọng cơ bản này.

Ủy ban này đã luôn luôn bỏ qua khả năng trở thành chỗ dựa tinh thần cho các cá nhân và các tổ chức liên kết có nhiệm vụ hoạt động một cách triệt để cho một trật tự luật quốc tế và chống lại thể chế quân sự. Ủy ban đã không bao giờ cố gắng đối đầu với chủ trương thôn tính của các nước thành viên mà ủy ban này biết rằng, các nước này đại diện cho các khuynh hướng hoàn toàn khác với xu hướng mà ủy ban này có bổn phận phải đại diện.

Tôi không muốn tiếp tục làm cho ngài phát ngán bằng những luận cứ như vậy nữa, bởi vì ngài đã hiểu được quyết định của tôi một cách đầy đủ sau những điều ít ỏi vừa nêu. Tôi không muốn làm người buộc tội, mà tôi muốn chỉ lý giải thái độ của mình. Nếu tôi muốn nuôi dưỡng một hy vọng nào đó, thì tôi phải hành động khác. Ngài có thể chắc chắn về điều này.


Chủ nghĩa hòa bình tích cực

Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được trực tiếp tham dự cuộc biểu tình lớn của nhân dân Flamande vì hòa bình. Đối với tôi, quả là một nhu cầu khi nhân danh những người có thiện chí và những người quan tâm đến tương lai nói to với tất cả những người tham gia cuộc biểu tình này: Chúng tôi thấy gắn bó sâu sắc nhất với các bạn trong những giờ phút suy tư và thức tỉnh lương tâm này.

Chúng ta không nên che giấu một thực tế là: Việc cải thiện các mối quan hệ vô vọng hiện nay làm sao có thể có được, nếu không có các cuộc đấu tranh quyết liệt. Bởi vì số lượng những người quyết tâm trợ giúp một cách triệt để chỉ là nhỏ so với số đông những người không quyết tâm và những người bị dụ dỗ. Và quyền lực của những người quan tâm đến việc duy trì bộ máy chiến tranh lại rất lớn. Họ không từ một phương tiện nào để có thể khiến công luận phục vụ cho những mục tiêu của họ, những mục tiêu thù địch với cuộc sống.

Hình như là các nguyên thủ quốc gia hiện nay thực sự theo đuổi mục tiêu củng cố lâu dài nền hòa bình. Nhưng, sự gia tăng liên tục các trang thiết bị quân sự đã chỉ ra quá rõ rằng, họ không theo kịp các cường quốc thù địch, những nước đang thúc giục việc chuẩn bị chiến tranh. Theo xác tín của tôi, một sự cứu vãn chỉ có thể đến từ ngay trong lòng các dân tộc mà thôi. Nếu họ muốn tránh tình trạng nô lệ hèn hạ trong quân dịch, thì họ phải kiên quyết ủng hộ việc hoàn toàn giải trừ quân bị. Bởi vì chừng nào còn các lực lượng quân đội, thì bất cứ cuộc xung đột nghiêm trọng nào cũng đều có thể dẫn đến chiến tranh. Chủ nghĩa hòa bình, một khi không tích cực đấu tranh chống lại sự chạy đua vũ trang của các quốc gia, thì nó vẫn và sẽ mãi mãi chỉ là một thứ chủ nghĩa hòa bình bất lực mà thôi.

Mong rằng, lương tâm và trí óc lành mạnh của các dân tộc trở nên sống động hơn để chúng ta đạt tới được một cấp độ mới của của sự cộng sinh giữa các dân tộc; một cấp độ mà từ đó nhìn lại, chiến tranh được coi là một sai lầm không thể nào hiểu nổi của cha ông chúng ta.


Thư gửi Sigmund Freud


Ngài Freud kính mến!


Thật thán phục được thấy khát vọng tiếp cận đến chân lý ở Ngài đã vượt hẳn bất cứ một khát vọng nào khác. Với sự sáng sủa vô song, Ngài đã cho thấy, những bản năng tranh đấu và hủy diệt là không thể tách rời khỏi bản năng của tình yêu và hiếu sinh trong tâm lý con người như thế nào. Nhưng đồng thời, từ những diễn giải chặt chẽ của Ngài toát lên một khát vọng sâu thẳm về một mục tiêu vĩ đại cho việc giải phóng con người khỏi chiến tranh, trong tâm hồn cũng như trên thực tế.

Tất cả những ai đã được tôn vinh là những lãnh tụ trong lĩnh vực tinh thần và đạo đức vượt lên trên thời đại và dân tộc của mình, đều tán thành khát vọng vĩ đại này. Ở đây, nổi lên một sự thống nhất từ Jesus đến Goethe và Kant. Có một thực tế là những nhân vật này đã được mọi người công nhận là lãnh tụ, mặc dù ý chí của họ hướng đến việc tạo ra các mối quan hệ con người chỉ có khả năng thực hiện ở mức độ rất thấp. Thực tế này không có ý nghĩa gì sao?

Tôi tin chắc rằng, tuyệt đại đa số những cá nhân lỗi lạc, những người có vị trí hàng đầu nhờ các công trình của mình - dù chỉ là một nhóm nhỏ - đều cùng chia sẻ lý tưởng này. Họ có rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt chính trị. Thật tệ hại, khi lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến số phận của các quốc gia lại bị giao phó một cách không thể tránh khỏi cho sự trơ trẽn và vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền chính trị.

Các lãnh tụ chính trị hoặc các chính phủ có được cương vị của mình một phần nhờ bạo lực, một phần do sự lựa chọn của quần chúng. Họ không thể được xem như là đại diện cho bộ phận ưu tú về mặt tinh thần và đạo đức của các quốc gia. Tuy vậy, hiện nay, bộ phận tinh túy về trí tuệ lại không có ảnh hưởng trực tiếp nào đến lịch sử các dân tộc: Tình trạng phân tán của họ đã ngăn cản sự tham gia trực tiếp của họ vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc. Do đó, nếu một số ít người, mà thành quả và ảnh hưởng của họ bảo đảm cho năng lực và sự trong sáng trong ý đồ tập hợp nhau lại, thì Ngài có tin rằng, một sự tập hợp như thế có thể tạo ra được sự biến chuyển ở đây hay không? Cộng đồng có đặc điểm quốc tế này, cộng đồng mà các thành viên của nó duy trì quan hệ thông qua việc trao đổi ý kiến thường xuyên, nhờ việc bày tỏ thái độ trên báo chí - luôn với trách nhiệm của mỗi thành viên ký kết - sẽ có thể tạo được ảnh hưởng quan trọng và bổ ích đối với giải pháp cho các vấn đề chính trị. Tất nhiên, một cộng đồng như vậy ắt không tránh khỏi bị tổn thương bởi mọi thứ tiêu cực vốn thường dẫn dắt giới trí thức hàn lâm vào sự thoái hóa; tức những mối nguy hiểm gắn liền chặt chẽ với những khiếm khuyết của bản tính con người. Dù vậy, tại sao ta lại không có dũng khí để thử tiến hành một nỗ lực như thế? Tôi coi một thử nghiệm như vậy hầu như là một bổn phận không thể từ khước được.

Nếu một tập thể trí tuệ có tiếng tăm như vậy có thể được thành lập, thì nó cũng phải có những nỗ lực có hệ thống để động viên các tổ chức tôn giáo tham gia vào cuộc vận động chống chiến tranh. Tập thể ấy nhất định sẽ mang lại một chỗ dựa tinh thần cho nhiều nhân vật, mà ý chí của họ hiện nay bị tê liệt vì nỗi chán chường đau đớn. Cuối cùng tôi tin rằng, một cộng đồng bao gồm những cá nhân có uy tín lớn do thành quả của họ cũng xứng đáng trở thành chỗ dựa tinh thần đáng quý cho các lực lượng trong Hội Quốc Liên, những lực lượng thực sự cống hiến năng lực của mình cho mục tiêu cao cả của tổ chức này.

Sở dĩ tôi thích trình bày những việc này cho Ngài hơn là cho bất kỳ ai khác, là vì khác với mọi người, Ngài không cảm thấy bị làm phiền khi lắng nghe về những ước vọng và bởi vì nhận định có tính phê phán của Ngài thể hiện ý thức trách nhiệm nghiêm chỉnh nhất.



Bàn về nghĩa vụ quân sự

rích từ một bức thư

Thay vì cho phép nước Đức áp dụng nghĩa vụ quân sự, tốt hơn hết là nên tước bỏ việc đề ra nghĩa vụ này ở tất cả các nước và trước hết không cho phép thành lập bất cứ đạo quân nào ngoài đạo quân đánh thuê, với quy mô và trang thiết bị quân sự sẽ được thỏa thuận sau.

Điều này thiết nghĩ cũng có lợi cho nước Pháp so với việc phải cho phép nghĩa vụ quân sự ở Đức. Nếu được, ta ắt sẽ ngăn chặn được tác động tâm lý đầy hiểm họa do việc giáo dục quốc phòng toàn dân gây ra và cũng như việc tước đoạt quyền hạn của cá nhân vốn gắn liền với nền giáo dục ấy.

Ngoài ra, đối với cả hai nước, khi đã thống nhất được với nhau về một tòa án trọng tài trong việc giải quyết ổn thỏa tất cả các vấn đề tranh chấp liên quan đến các mối quan hệ song phương, thì có thể sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc hợp nhất các tổ chức của các quân nhân chuyên nghiệp tức các đội quân đánh thuê nói trên thành một tổ chức duy nhất bao gồm các cán bộ hỗn hợp. Đối với mỗi bên, điều này có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng về mặt tài chính và lại bảo đảm được an ninh. Một quá trình hợp nhất như thế có thể phát triển thành các đội quân liên hiệp ngày càng lớn hơn và cuối cùng có thể đưa đến việc thành lập một cơ quan “cảnh sát quốc tế”. Cơ quan này sẽ nhỏ dần đi tùy theo mức độ tăng cường an ninh quốc tế.

Quý vị có muốn bàn bạc với những người bạn của chúng ta về kiến nghị này như một sự gợi ý hay không? Tất nhiên, tôi hoàn toàn không cố bám vào kiến nghị đặc biệt này. Theo tôi, điều cần thiết là chúng ta phải đưa ra những đề nghị tích cực. Nỗ lực phòng thủ thuần túy không thể hứa hẹn bất cứ sự thành công thực tế nào.

No comments:

Post a Comment

Trang