được sưu tầm bởi HXK

đây chỉ là những thông tin về những người mà tôi cho rằng họ giỏi, tôi khâm phục họ, tìm hiểu họ qua cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm cũng như tư tưởng của họ để lại trên thế gian này. cho những con người của thời đại họ sống và cho hậu thế.

Tuesday, June 29, 2010

Giới thiệu sách Cội nguồn cảm hứng Bùi Quang Minh Hanoi Software JSC


Càng biết nhiều về bản thân mình... chúng ta càng tự do. Đa số mọi người đều cảm nhận cảm tính rằng quyền tự do là quan trọng với bản thân, nhưng họ rất thiếu ý niệm cụ thể về tự do là gì và đa số nhầm lẫn tự do với vô chính phủ. Đến nay, còn rất nhiều người chưa đạt tới trình độ nhận thức rằng tự do là nền móng để họ trở thành Con Người, là trình độ làm người ở mức cao nhất. Do truyền thống, do mức muộn mằn tiếp cận khái niệm tự do, do tư duy ấu trĩ chưa được tự do soi rọi vào cuộc đời mình, mà số đông chúng ta không tự trau dồi về tự do, không phát hiện ra hiện tượng nào quanh ta tự do không được coi trọng, thiếu tự do. Cũng không thiếu người bị chà đạp lên tự do, mất quyền cơ bản của mình mà không mảy may nhận ra, phản ứng lại.

Những người đồng ý từ bỏ một chút tự do để tìm kiếm sự an toàn thì không xứng đáng được hưởng tự do và an toàn, và họ sẽ mất cả hai thứ đó...

(Benjamin Franklin)

Điều đó phản ánh chúng ta đang thiếu tư duy đúng về tự do, về nhân văn làm người, về chính cái hạt nhân của cuộc sống; và đó cũng chính là chúng ta đang sống mà thiếu giá trị tự do, chúng ta đang cần tìm về nó để thức tỉnh bản thân, phát huy mọi vai trò và giá trị cá nhân khác. Đó cũng là thực trạng chung biểu hiện sự hạn hẹp của văn hóa phương Đông trong việc hiểu biết sắc sảo giá trị nền tảng nhất của văn minh phương Tây - nay là văn minh toàn nhân loại.

Trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã nêu ngay trong phần đầu nội dung khẳng định đặt niềm tin các giá trị cơ bản nhất của con người, hỗ trợ cho sự tiến bộ xã hội để thiết lập nên những điều kiện tốt đẹp nhất cho sự tự do được mở rộng nhất:

"
Nhận thức rằng, việc thừa nhận phẩm giá vốn có của tất cả các thành viên gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước bỏ của họ, đã tạo dựng nên nền tảng của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới.

Nhận thức rằng, việc chối từ và miệt thị những quyền con người đã dẫn đến những hành động man rợ, nó thách thức lương tâm nhân loại và sự đăng quang một thế giới, ở đấy, những thành viên nhân loại sẽ được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, thoát khỏi sự khủng bố và khốn cùng, đã được tôn xưng như nguyện vọng cao cả nhất của con người.

Nhận thức rằng, thật cần thiết những quyền con người phải được bảo vệ bởi một thể chế luật pháp, sao cho họ không phải bị ép buộc cầu viện đến cái tột cùng là sự nổi dậy chống lại chuyên chế và áp bức.

...

"
Càng khẳng định mình, càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị tự do, con người càng được thăng hoa, đạt đến hạnh phúc. Trong quá trình suy tưởng hiện thực xã hội, đi sâu vào nội tâm, nhiều người đã khám phá ra tự do như một giá trị Thượng đế ban cho để chúng ta có được nền móng trở thành con người. Sự khám phá ấy tạo nên cảm hứng, khát vọng và động lực hiện thực mọi tiềm năng phát triển của cá nhân, vươn lên đạt tới giá trị cao đẹp nhất cho bản thân. Một trong số đó là tác giả Nguyễn Trần Bạt, người đã thấm đẫm tinh thần tự do cao quý và đã dành nhiều thời gian và tinh thần để thức tỉnh, thấu hiểu, yêu quý giá trị tự do và chia sẻ tới bạn đọc. Quá trình khám phá tự do, cảm hứng về tự do, đi đến tự do được tác giả được đúc kết trong tác phẩm mới "Cội nguồn cảm hứng", NXB Hội Nhà văn, 11/2008. Cuốn sách hơn 400 trang này ông đã định đặt tên là “Tự do sinh ra con người”.

Sau Tuyên ngôn độc lập, với tôi, lâu lắm rồi, Việt Nam lại có một tác phẩm, một cuốn sách trọn vẹn, sâu sắc, cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật về Tự do, giá trị nhân văn, nhân quyền.

Có thể coi tác phẩm "Cội nguồn cảm hứng" là một sự cố gắng của tác giả gắn việc mô tả, tư duy về tự do và gắn vai trò của nó với chất lượng số phận mỗi người, với đánh giá chất lượng tổ chức của nhà nước. Trong tác phẩm hiếm có này, tác giả đã khẳng định hệ thống và nhất quán một xã hội có tính chất lượng cơ bản là phải giúp con người hình thành và khẳng định tất cả các quyền của cá nhân để họ có thể có bản lĩnh để hiểu, sống và đối phó, hoàn thiện cuộc sống bản thân. Theo tác giả, con người càng nhận thức được tự do càng phải cảm thấy mình có trách nhiệm hơn với mình, có trách nhiệm hơn với xã hội tự giác mà không để bị ai áp đặt, không a dua theo ai.

Cuốn sách "Cội nguồn cảm hứng" kén người đọc bởi nó lấp lánh nhiều tư tưởng triết học. Đó là một tác phẩm tuyệt vời, hoàn hảo, lôi cuốn bất cứ ai về Tự do, về khám bản bản chất của chính chúng ta và con đường để mỗi người, chúng ta, loài người trở nên sống tự do hơn, hạnh phúc hơn. Bởi vậy, tôi xin nhường bút để bạn đọc tìm đến cuốn sách, soi rọi cá nhân, xã hội mình với quan điểm, tư tưởng của nền văn minh nhân loại, với trình độ phát triển hiện đại của nhân loại.

Tác giả Nguyễn Trần Bạt đã ca những lời ca với tình yêu tự do của mình. Đó cũng là cách thức thể hiện mức tự do cao nhất của người trí thức - ở hình thức nghệ thuật, thâm thúy. Tôi tin rằng lời ca đó sẽ tiếp tục thổi bùng lên "Cội nguồn cảm hứng" của mọi người Việt chúng ta như tinh thần bất khuất của Nelson Mandela, một biểu tượng văn hóa của tự do và bình đẳng nhân loại: "Sự chiến đấu là cuộc đời tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì tự do cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời tôi

No comments:

Post a Comment

Trang