được sưu tầm bởi HXK

đây chỉ là những thông tin về những người mà tôi cho rằng họ giỏi, tôi khâm phục họ, tìm hiểu họ qua cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm cũng như tư tưởng của họ để lại trên thế gian này. cho những con người của thời đại họ sống và cho hậu thế.

Tuesday, June 29, 2010

Dân mình trước hết cần rẻ chứ đâu cần quá nhanh

Sau khi Quốc hội chưa thông qua Nghị quyết về đường sắt cao tốc “Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh” tôi thấy một không khí phấn khởi bộc lộ thật rõ nét trong quần chúng nhân dân, nhất là trong đội ngũ trí thức. Tôi cũng rất hồi hộp khi bấm nút vì nghĩ rằng chắc mình chỉ thuộc về thiểu số như kỳ bấm nút quyết định Dự án Mở rộng Thủ đô. Khi thấy cả hai phương án trong điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đều không được quá bán tôi thấy mừng quá. Khi đoàn Chủ tịch cho bấm tiếp điều 2 cả Hội trường Quốc hội xì xào ầm lên , vì điều 1 không thông qua thì cần gì biểu quyết điều 2. Lại không quá bán và Chủ tọa kỳ họp tuyên bố dứt khoát: Quốc hội không thông qua Dự án đường cao tốc tại kỳ họp này. Đúng vào giờ nghỉ. các đại biểu quốc hội bắt tay nhau hào hứng vì lâu lắm mới có một quyết định mạnh mẽ như vậy đối với các Dự án do Chính phủ trình Quốc hội. Chiều hôm ấy biết bao nhiêu bạn bè gọi điện cho tôi và ai cũng tỏ ra hết sức phấn khởi. Tôi hiểu được sự phấn khởi ấy là biểu lộ việc cảm nhận về một sự thay đổi có ý nghĩa rất lớn. Quốc hội có trách nhiệm cao với công luận, với những kiến nghị sâu sắc và tỷ mỷ của không ít các nhà khoa học trong và ngoài nước. Sự lãnh đạo đã có thay đổi theo chiều hướng tôn trọng quyền quyết định của từng đại biểu Quốc hội. Một xã hội dân chủ đã được thêm một lần chứng thực rõ nét. Theo tôi trong quyết định hợp lòng dân này có sự góp phần rất lớn của các cơ quan truyền thông (báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng). Từng đại biểu Quốc hội được tiếp nhận rất nhiều ý kiến phản biện có tình , có lý và không thể không suy nghĩ đến trách nhiệm đích thực của danh hiệu Người đại biểu nhân dân. Bản thân tôi ngoài theo dõi trên báo, trên mạng, còn trực tiếp nhận được rất nhiều thư tay, thư điện tử của những người quen biết và chưa quen biết. Tôi có ấn tượng rất sâu về ý kiến cho rằng nước ta còn rất nghèo, phải tính toán tiết kiệm từng đồng ngoại tệ và phải cố gắng làm điều gì mà mình có thể tự làm chủ được công nghệ. Thật là thú vị trước tính toán nếu làm một đường đôi tầu nhanh với đường sắt khổ rộng 1,435m thì ta có thể tự làm lấy với kinh phí ít hơn rất nhiều, mà với vận tốc 150-200km/giờ thì lên tầu ngủ một giấc sáng hôm sau đã đến thành phố Hồ Chí Minh rồi. Đâu cần gì phải đi nhanh 5-6 tiếng như ở mươi nước có tiềm năng kinh tế giàu có. Con cháu ta sau này giầu có thì có thể làm đường sắt cao tốc toàn tuyến chỉ trong vài ba năm chứ đâu cần hàng vài chục năm như chúng ta đang định làm. Thời đại công nghệ đang phát triển như hiện nay thì biết đâu vài chục năm nữa chẳng có công nghệ đường sắt cao tốc khác hẳn tàu của Nhật Bản hiện nay. Tôi rất chú ý đến ý kiến lo ngại về các tác động đối với môi trường, về diện tích rừng sẽ bị biến mất, về hậu quả của việc đào cắt tạo ta-luy cho đường sắt dài 149,5km trên đất dốc và của việc đào đắp 214,4 km trên nền đất thấp, việc xây dựng 72 đường hầm, dài tổng cộng tới 116,6 km...

Phát biểu với báo chí Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận đã mạnh bạo nói: “Gần 56 tỷ USD đã khiến nhiều đại biểu cảm thấy bất an. GDP năm 2009 mới đạt 90 tỷ USD, trong khi đó nguồn vốn dự án này chiếm tới 2/3 GDP. Với trượt giá, 30 năm nữa con số đầu tư sẽ không dừng lại ở 56 tỷ USD. Nợ Chính phủ đã lên đến 42% rồi, giờ gánh thêm dự án đường sắt cao tốc nữa thì tiền đâu? Chúng ta đã tính đến bài học của Hy Lạp đang khủng hoảng vì nợ công, cả châu Âu phải cứu giúp chưa? Chúng ta không thể quyết dự án này được để rồi con cháu nai lưng ra trả nợ. Thực tế các dự án nghe báo cáo thì rất hay, ví dụ đường Hồ Chí Minh, song khi hoàn thành thì công suất sử dụng chỉ 1/4-1/3 so với thiết kế. Hay như việc triển khai các dự án thủy điện, lúc báo cáo dự án, chủ đầu tư khẳng định sẽ đảm bảo cấp điện, chống úng trong mùa mưa, cấp nước trong mùa hạn, nhưng vừa qua trời ít mưa thì lại đặt vấn đề, một chấp nhận thiếu điện, hai là mất mùa (!). Đề án này hơi xa xỉ, tôi sẽ không bấm nút thông qua, để 10-20 năm nữa con cháu ta thông minh hơn, giỏi hơn ta sẽ quyết định. Còn giờ mà quyết thì tôi thấy có lỗi với thế hệ mai sau".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lo lắng rất có lý: “Chúng ta định làm toàn tuyến hơn 1.570 km, nhưng chỉ 364 km đi trên mặt đất, còn lại đi hầm và cầu cạn, trong khi địa chất ở nước ta phức tạp, chỉ cần có sự cố thì khắc phục rất khó, rất lâu”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng tính toán thấy: “Lấy đâu ra 56 tỷ USD và đây không phải con số cuối cùng, trong khi đang có rất nhiều dự án quốc gia cần nhiều tiền, như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Chúng ta hy vọng có đường sắt cao tốc, ăn sáng ở thành phố Hồ Chí Minh, ăn trưa ở Đà Nẵng và ăn tối ở Hà Nội. Người thành phố Hồ Chí Minh có thể đi làm ở Hà Nội và về trong ngày. Nhưng thử hỏi có mấy ai đủ tiền để đi kiểu đó, bởi giá vé tàu cao tốc bằng 50-70% giá vé máy bay. Mà nếu không có khách đi thì làm sao thu hồi vốn?"

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) lo lắng: “Trong vấn đề vay vốn chúng tôi chỉ băn khoăn việc quản lý vốn như thế nào. Tại vì lâu nay chúng ta nói là thất thoát trong xây dựng cơ bản có khi lên đến 30-40% thì với 56 tỷ USD này thì chúng tôi cũng chưa biết là nó sẽ thất thoát bao nhiêu?”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá: “Đây là dự án, là tư duy của những người vẫn đi lại bằng tiền của Nhà nước. Chúng ta thấy rất tiện lợi, chỉ có 5 tiếng là vào đến thành phố Hồ Chí Minh để làm việc. Ai cũng phải chết, giầu cũng chết, nghèo cũng chết, mỗi ngày chỉ có đúng 24 tiếng đồng hồ, không có thêm một phút. Người nhiều tiền thì tiếc thời gian, người ít tiền thì họ không thấy quan trọng về thời gian. Cho nên tại sao chúng ta thấy lựa chọn của người dân ngày nay, họ sẵn sàng đi cả những phương tiện không an toàn nhưng rẻ tiền. Vậy xin hỏi 20 năm nữa cho dù chúng ta có ngồi tính GDP là bao nhiêu, 3.000 USD/đầu người, nhưng phân bố GDP đó ở đâu, người nghèo còn nhiều không, người nào sẵn sàng bỏ một món tiền bằng 3/4 giá vé máy bay? ”.

Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường (An Giang) băn khoăn:"Tôi cảm nhận toàn bộ các thông tin có trong dự án này chưa bảo đảm tính khách quan, dường như chỉ trình bày theo một hướng để bảo đảm thực hiện phương án 4. Ở đây thể hiện chúng ta chỉ có một nhóm tư vấn của Nhật và 3 thành viên tham gia là Công ty Tư vấn giao thông, Hiệp hội Dịch vụ kỹ thuật đường sắt, Công ty TNHH Nippon Koie. Đại biểu Quốc hội hoàn toàn không có thông tin gì về 3 nhà tư vấn này, không biết về lĩnh vực đường sắt cao tốc này họ có phải là những nhà tư vấn hàng đầu trên thế giới không? Họ đã từng tư vấn những dự án nào cho Nhật Bản, cho nước ngoài và có dự án nào đã lên đến tầm cỡ 56 tỷ USD như của chúng ta chưa?”...Những cuộc thảo luận tại Hội trường Quốc hội và tại các Tổ thật là dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và đầy tinh thần trách nhiệm.

Tham dự Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tôi thực sự phấn khởi khi nghe ý kiến của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Đồng chí đã nói: “Cần chủ động đẩy mạnh các hoạt động phản biện, giám định các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... để cung cấp các luận cứ khoa học, nâng cao chất lượng các đề án trước khi cấp có thẩm quyền quyết định".

Rõ ràng là trách nhiệm của giới trí thức và của các đại biểu dân cử là phải hết sức động não để tìm ra những giải pháp khoa học nhất, tiết kiệm nhất, nhằm góp phần sớm thực hiện bằng được mơ ước của nhân dân ta: Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh , xã hội công bằng, dân chủ , văn minh.

No comments:

Post a Comment

Trang